CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

COVID-19 tới 6h sáng 30/7: Mỹ có trên 79.000 ca mắc mới; Trung Quốc bùng ổ dịch ở Nam Kinh

Invest Global 10:07 30/07/2021

(TBTCO) - Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 627.000 ca mắc COVID-19 và trên 9.590 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 197 triệu ca, trong đó trên 4,21 triệu ca tử vong

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 79.000 ca), Ấn Độ (44.673 ca) và Indonesia (43.479 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.893 ca), Brazil (1.225 ca) và Nga (799 ca).

Trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn, ngày 29/7, Tiến sĩ Nurul Yuziana Mohd Yusof, giảng viên cấp cao tại Đại học Kebangsaan Malaysia, đánh giá vaccine của Sinovac, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca đều đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn diễn biến bệnh nặng trong trường hợp bị nhiễm COVID-19.

Đề cập đến sự khác biệt giữa vaccine của các hãng, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho rằng vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca tạo ra các kháng thể đặc hiệu cho protein đột biến của virus, trong khi vaccine của hãng Sinovac tạo ra các kháng thể chống lại toàn bộ cấu trúc của virrus, bao gồm cả protein đột biến của nó.

Về hiệu quả của ba loại vaccine chống lại các biến thể COVID-19 mới, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho biết các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZenecaa có hiệu quả từ 50% so với các biến thể mới.

Bà dẫn kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học New England gần đây cho biết vaccine của Pfizer/BioNTech đã được chứng minh là có hiệu quả lên tới 93,7% đối với biến thể Alpha và 88% đối với Delta, trong khi đối với AstraZeneca hiệu quả là 74,5% (Alpha) và 67% (Delta). Đối với Sinovac, cho đến nay, vẫn chưa có dữ liệu khoa học nào để đánh giá hiệu quả với các biến thể mới.

Theo Tiến sĩ Nurul Yuziana, hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào chỉ có thể được xác định chắc chắn thông qua phân tích toàn diện bao gồm nhiều dữ liệu khác nhau, bao gồm cả tỷ lệ dân số tiêm vaccine. Ngoài ra, bà cho rằng cần tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để có phân tích chi tiết hơn về loại biến thể, so với các phương pháp sàng lọc COVID-19 hiện có như phương pháp RT-PCR và phân tích gene để tìm hiểu sự thay đổi gene hoặc đột biến của virus.

Trung Quốc đối mặt thách thức do ổ dịch ở Nam Kinh lan rộng

Tại Trung Quốc, thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này đã phát hiện 18 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân được xác nhận kể từ ngày 20/7 đến nay lên 171 trường hợp, cùng với 2 trường hợp không có triệu chứng. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này cũng được cho là đã lan sang ít nhất 13 thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) và thành phố Đại Liên – thủ phủ tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc).

Các ca bệnh mới được phát hiện tại Nam Kinh hôm 28/7 đều ở xung quanh phố Lộc Khẩu thuộc quận Giang Ninh. Trong cuộc họp báo ngày 29/7, các quan chức địa phương cho biết theo kết quả điều tra dịch tễ học, con phố này đã được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Trong số 171 bệnh nhân kể trên, 3 trường hợp được chẩn đoán trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, ít nhất một trường hợp liên quan đến ổ dịch Nam Kinh cũng đã được báo cáo ở Bắc Kinh hôm 28/7.

Xét về mặt địa lý, đợt bùng phát dịch bệnh lần này được cho là có quy mô lớn nhất trong vòng 7 tháng qua, thách thức nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc dù thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và truy vết tiếp xúc nhanh chóng. Trước tình hình dịch bệnh ở Nam Kinh diễn biến phức tạp, nhà chức trách tỉnh Giang Tô đã phải tiến hành phong tỏa hàng trăm nghìn người dân, đồng thời đóng cửa các quán cà phê-Internet, phòng tập gym, rạp chiếu phim và quán bar-karaoke, thậm chí cả thư viện tại thành phố Nam Kinh. Thành phố này cũng đã thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ 9,2 triệu dân lần thứ 2 trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây lan cao đang cản trở nỗ lực ngăn chặn đại dịch tại Trung Quốc. Hiện biến thể Delta đã lây lan ra 3 tỉnh của Trung Quốc.

Indonesia phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa

Ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2.

Theo bà Nadia, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 27/7, quốc gia này đã phát hiện 1.016 ca mắc 3 biến thể đáng quan ngại, trong đó có 60 ca mắc biến thể Alpha, 13 ca mắc biến thể Beta và 943 ca mắc biến thể Delta.

Thái Lan thiếu giường bệnh nghiêm trọng

 

 Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/4/2021.

Bộ Y tế Thái Lan thừa nhận tình trạng thiếu giường nghiêm trọng tại các bệnh viện và cơ sở cách ly trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong tại nước này vừa ghi nhận kỷ lục buồn.

Hiện quốc gia Đông Nam Á đang vật lộn để khống chế đợt bùng phát mới, do sự lây lan của biến thể Delta, với số ca mắc mới và tử vong tăng vọt, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe ngày một trở nên quá tải. Mặc dù các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, cùng lệnh giới nghiêm ban đêm. song ngày 29/7, Thái Lan vẫn ghi nhận thêm 17.669 ca mắc và 165 ca tử vong - mức cao nhất từ trước tới nay.

Phát biểu với báo giới, ông Somsak Akkasilp, người đứng đầu Cơ quan dịch vụ y tế của Bộ Y tế Thái Lan thẳng thắn thừa nhận tình trạng không đủ giường bệnh tại các bệnh viện. Theo ông, tại các bệnh viện lớn, toàn bộ các khoa hồi sức tích cực đều quá tải. Hiện các bệnh viện ở thủ đô Bangkok chỉ có đủ năng lực tiếp nhận 1.000 bệnh nhân mới một ngày, song thực tế, họ đã phải tiếp nhận tới 4.000 ca mắc mới riêng trong ngày 29/7.

Không chỉ vậy, các cơ sở cách ly của thủ đô Bangkok cũng đang hết chỗ trống vì thế chính quyền phải làm việc với các bệnh viện tư nhân để có thể có thêm giường.

Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 561.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.562 người không qua khỏi. Phần lớn các ca mắc mới được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm từ tháng 4 vừa qua.

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới liên quan Olympic Tokyo cao kỷ lục

Ngày 29/7, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 báo cáo thêm 24 ca mắc COVID-19 liên quan tới đại hội thể thao này, mức cao nhất kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Theo thông báo, trong số các ca mắc mới có 3 vận động viên nước ngoài sống tại Làng Olympic ở Tokyo và 6 quan chức thể thao. Như vậy, đến nay có tổng cộng 193 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Olympic Tokyo.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số liệu công bố ngày 28/7 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản và Tokyo đã chạm mốc cao kỷ lục mới với lần lượt 9.583 ca và 3.177 ca. Trước đó cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ nước này sẽ nhanh chóng xem xét ban bố trình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo nếu nhận được yêu cầu từ các tỉnh này. Trả lời câu hỏi về tác động của sự gia tăng số ca mắc mới đối với Olympic Tokyo 2020, ông Kato cho biết cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo gì về trường hợp vận động viên nước ngoài hoặc những người có liên quan tới Thế vận hội mắc COVID-19 mà có các triệu chứng nghiêm trọng. Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục làm hết sức để ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm liên quan tới Olympic Tokyo.

Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở Tokyo và Okinawa.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc giảm 

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm nhẹ trong ngày 29/7 sau khi chạm mốc cao kỷ lục trước đó một ngày, trong bối cảnh giới chức y tế nước này đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 1.674 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, chủ yếu là ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 195.099 ca. Trước đó, ngày 28/7, Hàn Quốc phát hiện 1.896 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Số ca mắc mới của Hàn Quốc liên tục ở mức trên 1.000 ca/ngày kể từ đầu tháng trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ tư. Cũng trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 2 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.085 ca. Tỷ lệ tử vong ở nước này hiện là 1,07%.

Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ do số ca bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận tăng vọt mà còn do số ca nhiễm mới tăng nhanh ở những khu vực khác trên cả nước khi người dân đi du lịch vào mùa Hè. Số liệu thống kê cho thấy gần 40% số ca nhiễm mới là ở những khu vực ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Giới chức y tế lo ngại rằng đường cong dịch tễ tại Hàn Quốc hiện chưa thể đạt đỉnh trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang trở thành biến thể lây lan chính tại nước này trong khi người dân lại di chuyển nhiều hơn vào mùa Hè.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp cao nhất - cấp 4 đang được áp đặt tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận - thêm 2 tuần, đến ngày 8/8 tới.

Bang Kerala của Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa

Ngày 29/7, bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa trong 2 ngày, trong bối cảnh các nhà chức trách liên bang dự kiến cử các chuyên gia đến hỗ trợ khu vực hiện là điểm nóng dịch COVID-19 này.

Bang Kerala, với khoảng 154.000 ca mắc COVID-19 đang được điều trị, chiếm 37,1% tổng số ca đang được điều trị tại Ấn Độ. Hiện tốc độ lây lan dịch ở bang này cao nhất cả nước. Trong thông báo, cơ quan xử lý thảm họa bang Kerala cho biết các biện pháp hạn chế đặc biệt nghiêm ngặt đang được triển khai ở những khu vực có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao. Trong 4 tuần qua, 7 trong số 14 khu vực của Kerala đã báo cáo xu hướng gia tăng số ca mắc mới theo ngày. Trong ngày 29/7, Chính phủ liên bang cho biết sẽ cử 6 chuyên gia đến giám sát các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Kerala và phối hợp với giới chức địa phương về các chiến lược ngăn chặn dịch bùng phát.

Số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Ấn Độ đã giảm sau đợt bùng phát dịch thứ ba và các nỗ lực tiêm chủng đang đạt được kết quả. Chính quyền trung ương đã cho phép các chính quyền địa phương tự quyết định về việc phong tỏa và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này dẫn tới bùng phát các điểm nóng dịch bệnh mới dù số ca mắc giảm.

Ngày 29/7, Ấn Độ ghi nhận 43.509 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 31,53 triệu ca.

Australia: Cảnh sát Sydney kêu gọi quân đội hỗ trợ

Tại Australia, cảnh sát thành phố Sydney đã đề nghị quân đội hỗ trợ giám sát người dân thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thành phố lớn nhất nước này tiếp tục tăng lên mức cao mới.

Theo giới chức địa phương, cảnh sát bang New South Wales đã đề nghị Lực lượng Quốc phòng Australia triển khai 300 quân nhân để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở Sydney. Hiện thành phố gồm 5 triệu dân này đang trong tuần thứ 5 thực hiện phong tỏa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8 tới. Theo đó, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để tập thể dục, làm công việc thiết yếu, lý do y tế và đi mua nhu yếu phẩm như thực phẩm. Tuy nhiên, người dân không tuân thủ nghiêm túc quy định. Trong những tuần qua, người dân Sydney tập trung đông đúc tại các công viên và bãi biển để uống cà phê và trò chuyện với bạn bè.

Cảnh sát Sydney đã tăng cường phạt những người vi phạm các biện pháp hạn chế trên và tiếp tục thắt chặt lệnh phạt trong những ngày tới. Cảnh sát cũng yêu cầu có nhiều quyền hạn hơn để đóng cửa những cơ sở kinh doanh không tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội.

Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cảnh báo đợt bùng phát dịch lần này, bắt đầu từ giữa tháng 6, có nguy cơ diễn biến tồi tệ hơn. Theo số liệu chính thức, Sydney ngày 29/7 ghi nhận 239 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong làn sóng dịch bệnh hiện nay, nâng tổng số lên 2.810 ca.

Trong khi đó, đến nay mới chỉ có chưa đến 14% dân số Australia được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng lệnh phong tỏa Sydney có thể éo dài thêm nhiều tháng nữa.

Trên 230 triệu người đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm tại Mỹ

 

 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 20/7/2021.

Ngày 29/7, một phân tích dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy hơn 71% dân số nước này, tương đương gần 237 triệu người, hiện đang sinh sống ở các khu vực được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 “cao” hoặc “đáng kể”.

Theo phân tích trên, chỉ 1% dân số, khoảng 3,2 triệu người sống trong các khu vực có mức độ lây nhiễm “thấp”. Điều này có nghĩa hơn 70% người dân Mỹ phải tuân thủ hướng dẫn mới nhất của CDC về việc những người đã được tiêm phòng đầy đủ cần đeo khẩu trang trong nhà ở những khu vực có "khả năng lây nhiễm cao" hoặc "nghiêm trọng". Khoảng 48% dân số sinh sống ở các địa hạt có mức lây nhiễm “cao” và 23% người dân đang sinh sống ở các địa hạt có mức lây nhiễm “đáng kể”. Con số này đã tăng mạnh so với 1 tuần trước, khi chỉ 50,5% người dân Mỹ sống ở các địa hạt thuộc một trong hai mức độ kể trên. Hai tuần trước, con số này thậm chí chỉ là 38,5%. Trong khi đó, đầu tháng 6 vừa qua, chỉ có 2,4% dân số Mỹ sinh sống ở khu vực có mức lây nhiễm COVID-19 “cao” và 13% khác ở các khu vực có mức lây nhiễm “đáng kể”.

Các ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ tiếp tục tăng. Theo Đại học Johns Hopkins, quốc gia này hiện có trung bình 63.698 người mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng 59% so với mức trung bình của tuần trước. Theo CDC, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ cũng đang tăng mạnh, trung bình 382.106 người được tiêm mỗi ngày - mức cao nhất trong 3 tuần và tăng 35% so với tuần trước. Tính đến nay, hơn 49% dân số Mỹ đã được tiêm đủ vaccine.

Xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại tại Canada

 Số ca mắc COVID-19 tại Canada đang tăng lên. Tuy nhiên, các tỉnh British Columbia, Alberta, Saskatchewan và Prince Edward Island (PEI) của nước này đã dừng yêu cầu đeo khẩu trang ở hầu hết các môi trường trong nhà vào đầu tháng này. Giới chức các tỉnh này cho biết họ không có kế hoạch thắt chặt quy định về đeo khẩu trang ở không gian trong nhà, bất chấp sự thúc giục của các chuyên gia y tế rằng đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế sự lây lan của biến thể Delta. Tỉnh New Brunswick cũng dự kiến sẽ bãi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang vào ngày 30/7.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada - bà Theresa Tam - cho biết trong thời gian từ ngày 20-26/7, số ca nhiễm COVID-19 mới tăng 36% so với tuần trước đó, mặc dù số trường hợp bệnh nặng tiếp tục giảm. Theo bà, Delta là một trong những biến thể phổ biến nhất tại Canada hiện nay. Bà khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang để góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.