CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng cho thấy dư nợ bị ảnh hưởng lớn sau bão số 3 (Yagi) thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, công nghiệp, xây dựng, thuỷ sản…
Nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Hải Phòng, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến 31/8/2024 đạt 233.410 tỷ đồng, tăng 12,8% so với 31/12/2023 (năm 2023 đạt 206.905 tỷ đồng). Nợ xấu đến thời điểm 31/7/2024 là 3.156 tỷ đồng, bằng 1,35% tổng dư nợ.
Tính đến hết ngày 10/9, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hải Phòng ghi nhận 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão Yagi.
Tại Quảng Ninh, Chi nhánh NHNN cho biết đến 31/8/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với 31/12/2023. Đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả bão Yagi để lại.
Ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho người vay bị thiệt hại do bão lũ ở miền Bắc.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau bão, con số nợ xấu tại các ngân hàng sẽ còn tăng lên rất mạnh do nhiều khách hàng vay vốn tại ngân hàng bị thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, tất cả những doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở Quảng Ninh và Hải Phòng đều bị thiệt hại nặng do bão số 3. Đặc biệt, đơn vị nào có hàng thành phẩm đang để trong kho thì thiệt hại càng lớn, bởi bị cúp điện thì kho lạnh bảo quản hàng hóa sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay: "Mỗi doanh nghiệp sẽ có vài chục tấn đến cả ngàn tấn thành phẩm, qua cơn bão xem như không còn gì. Bởi đặc điểm của ngành phải duy trì kho lạnh liên tục, đủ nhiệt độ… nên chỉ cần không đảm bảo thì hàng hóa hư hỏng hết".
Tổng thư ký VASEP cho rằng không chỉ thiệt hại trong cơn bão mà các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Trong đó, ngoài việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ, các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng có thể xem xét cho các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có nhu cầu.
Chị Ngô Thị Thúy, Khu Thống Nhất 2, Tân An, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi nuôi cá bé trong các lồng ở đây, khi nào lớn hơn sẽ chuyển cho anh trai ở Cẩm Phả. Các lồng cá lớn ở Cẩm Phả, tôi có 600 ô với 500 con/ô, mỗi con khoảng 3 cân. Cơn bão đi qua, toàn bộ lồng bè đã bị đánh tan tác. Còn lồng cá con ở Quảng Yên, tôi có khoảng 20 ô nhưng nước đang dâng lên rất cao, chưa chắc cá con sống được”.
"Tổng số vốn dồn vào nuôi cá là khoảng 12 tỷ, giờ là trắng tay. Tôi vay ngân hàng 4 tỷ đồng, trả được 500 triệu đồng nhưng giờ không còn gì cả, không có tiền để tái sản xuất, không biết xoay xở sao. Nếu Nhà nước hỗ trợ cho người dân chút vốn, tôi sẽ khắc phục, đóng lại ô bè, thả cá con xuống kịp thời để gây dựng lại”, chị Thúy bày tỏ.
Giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay hỗ trợ khách hàng
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ do từng ngân hàng thương mại chủ động, đánh giá khách hàng dựa trên từng hợp đồng vay, mối quan hệ… Cho nên, các ngân hàng thương mại cần chủ động kết nối với chính quyền địa phương để có xác nhận thiệt hại của khách hàng mà không nên đợi doanh nghiệp "kêu cứu". Điều này thể hiện được tinh thần đồng hành đôi bên cùng có lợi, bởi nếu doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất thì mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ bị gia tăng nợ xấu.
Vấn đề này cũng được lãnh đạo NHNN nhìn nhận và chỉ đạo các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp vùng bão lũ, làm chỗ dựa, thể hiện trách nhiệm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
“Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…, từ đó mới có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu.
Ngoài những biện pháp của NHNN, theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu thống kê quy mô thiệt hại quá lớn thì NHNN cần có đề xuất thêm chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước như hỗ trợ lãi vay trong các trường hợp do thiên tai, bão lũ…
Hiện nay, các ngân hàng đang thống kê thiệt hại của khách hàng để có các giải pháp hỗ trợ. Theo ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, theo thống kê sơ bộ, ngân hàng có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. “Ngân hàng đang nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống”, ông Hải cho biết.
Đại diện NAPAS thông tin, trước nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão gây ra, người dân cũng có thể thực hiện chi tiêu trước, trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài, từ 45 - 55 ngày, hỗ trợ cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất.
Huyền Anh