CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đẩy mạnh vốn đầu tư xã hội: Đòn bẩy kích hoạt kinh tế tư nhân

Invest Global 15:15 07/07/2025

(KTSG Online) – Một trong những đề xuất thúc đẩy kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 là cần mạnh tay rót vốn hơn nữa vào khu vực này. Phá vỡ rào

(KTSG Online) – Một trong những đề xuất thúc đẩy kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 là cần mạnh tay rót vốn hơn nữa vào khu vực này.

Phá vỡ rào cản vốn khu vực tư nhân: cú hích mới từ Nghị quyết 68Những ‘nút thắt’ vốn cho doanh nghiệp tư nhân dần được gỡ bỏDoanh nghiệp sản xuất vẫn thiếu vốn đầu tư dài hạn. Hình minh họa một xưởng sản xuất của doanh nghiệp tại TPHCM.

Đầu tư tư nhân vẫn chưa tương xứng

Theo báo cáo của Cục thống kê (Bộ tài chính), vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước sáu tháng đầu năm 2025 tăng khoảng 9,8% so với cùng kỳ. Riêng khu vực nhà nước tăng 14,1%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 7,5% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10,6%. Những con số cho thấy tăng trưởng ở khu vực nhà nước và nước ngoài đang nhanh hơn tư nhân, thậm chí thấp hơn tăng trưởng tín dụng ở khu vực ngân hàng lên đến 8,3%.

Đây không phải là câu chuyện ngắn hạn. Thực tế số liệu cho thấy dòng vốn đầu tư ở khu vực tư nhân trở nên chậm chạp trong một khoảng thời gian dài. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 35% trên GDP giai đoạn năm 2010 (chỉ tính chi phí đầu tư tài sản cố định), thì đến năm 2024 chỉ còn 29,4%.

Trong bối cảnh quy mô đầu tư đang giảm dần một cách tương đối, thực trạng này cần phải cải thiện trong dài hạn, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright, chia sẻ tại tọa đàm "Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức cuối tuần trước.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân không chỉ nằm ở chi phí tài chính hay điều kiện tín dụng, mà còn nhiều yếu tố khác như triển vọng thị trường, chi phí tuân thủ cao, rủi ro pháp lý lớn cũng như chính sách thiếu nhất quán. Điều đáng nói thêm là trong cùng giai đoạn, lẽ ra đầu tư công có thể đóng vai trò dẫn dắt và giúp lan tỏa vốn toàn xã hội, nhưng lại vướng tình trạng chậm giải ngân, thiếu hiệu quả kết nối.

Do đó, ông Tuấn đề xuất cần phải thay đổi thực trạng này trong dài hạn, bằng cách tăng cường đầu tư thêm vốn cho toàn xã hội, trong đó bao gồm cả khu vực tư nhân, và cả khu vực nhà nước và kỳ vọng sẽ lan tỏa. Điểm thuận lợi của Việt Nam là sở hữu tỷ lệ tổng tiết kiệm ở mức cao, từ đó có thể tái cấu trúc theo hướng "tự lực" về nguồn vốn.

Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó tăng trưởng khu vực ngoài nhà nước đang chậm hơn trong những năm qua. Nguồn: Cục thống kê.

Theo chia sẻ của đại diện tập đoàn VinaCapital, công ty quản lý quỹ, với KTSG Online trước đó, thực tế dòng vốn đầu tư nội địa tại Việt Nam không thiếu, mà là thiếu doanh nghiệp có chất lượng để đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, các lĩnh vực mới như hiện đại hóa các ngành truyền thống vốn còn đang phân mảnh và sử dụng nhiều lao động, cơ sở hạ tầng với mô hình hợp tác công tư, dữ liệu, logistics, hay các ngành trọng tâm mới như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…vẫn có dư địa hút vốn đầu tư.

Điểm tích cực khác là chính sách đầu tư công đang được đẩy mạnh trong nỗ lực tăng trưởng cao vào cuối năm, với hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang được đẩy nhanh triển khai. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2025 ước đạt 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước (trong khi con số cùng kỳ năm 2024 bằng 31,1% và tăng 2,8%).

Dòng tiền đưa ra thị trường trong ngắn hạn này, cùng những thay đổi về mặt cơ chế trong dài hạn như Nghị quyết 68, được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi bức tranh đầu tư ở khu vực tư nhân trong tương lai.

Kỳ vọng lớn từ Nghị quyết 68

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tính đến đầu năm 2025, cả nước 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng gần 50% GDP, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 85% lực lượng lao động của cả nước.

Kinh tế tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chiếm tỷ trọng lớn nhưng trong nhiều năm qua, giới tư nhân cho biết vẫn còn rất nhiều rào cản kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nghị quyết 68 được các diễn giả tham gia tọa đàm đánh giá là tích cực nhưng cần những "cú hích" cụ thể. Ảnh: D.N.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, cũng tại tọa đàm trên, nói rằng các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ đều gặp khó khăn ở nhiều khía  cạnh, và mỗi năm đều nói về chính sách cần hỗ trợ vốn từ các ngân hàng, tạo điều kiện thêm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ chính trị, có điểm tích cực là thể hiện rõ ràng việc cải thiện các điều kiện trên. Giới kinh doanh vì thế kỳ vọng việc triển khai Nghị quyết sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn và đất đai, dễ chuyển đổi số, dễ về pháp lý và đổi mới cũng như tự do kinh doanh.

Dù vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn cho tư nhân, theo ông Vạn, điều quan trọng đầu tiên là câu chuyện logistics, tiếp sau đó cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số vì nhiều doanh nghiệp tư nhân không đủ khả năng để thực hiện số hóa. “Nếu cơ sở hạ tầng không đi nhanh thì khó để mà phát triển. Cần có mục tiêu và chiến lược giảm bớt chi phí logistics, giải quyết điểm nghẽn thì kinh tế tư nhân mới phát triển”, ông Vạn nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay cần phải tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ cho giới tư nhân, thậm chí cả khu vực nhà nước cũng cần hỗ trợ, một khi đã thừa nhận đây là động lực tăng trưởng quan trọng với tiềm năng rất lớn khi được “mở”.

“Mấu chốt của tăng trưởng cao trong năm nay, và tới đây còn hơn nữa, tất cả đều đặt lên vai của kinh tế tư nhân. Kể cả khu vực nhà nước phải hỗ trợ tối đa cho kinh tế tư nhân với vai trò là động lực quan trọng nhất”, ông Thiên nói.

Còn ông Phan Minh Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TPHCM, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh (chế biến nông sản giá trị cao), đánh giá Nghị quyết 68 thực sự truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên, điều này cần có thời gian để cải thiện. “Nếu thực hiện bài bản thì 5 năm sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển, và 10 năm tới sẽ có doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Nên kiên nhẫn hơn với kinh tế tư nhân”, ông Thông bình luận.