CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đề xuất bỏ cấp phép xây dựng đối với chủ đầu tư uy tín

Invest Global 10:37 16/05/2025

Đối với chủ đầu tư uy tín, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị thí điểm bỏ cấp phép xây dựng dự án, nghiên cứu bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nội dung được lãnh đạo TP.HCM đề cập tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thị trường bất động sản những tháng đầu năm, ngày 15/5.

Báo cáo về tình hình thị trường BĐS ở địa phương, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, TP.HCM cho biết, một số điểm nghẽn lớn, như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, điều chỉnh đồng bộ giữa quy hoạch 1/500, 1/2000 và quy hoạch chung còn rườm rà, mất nhiều thời gian.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường kiến nghị nghiên cứu bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án cụ thể, hoặc khoanh vùng phạm vi áp dụng; thí điểm bỏ cấp phép xây dựng với các chủ đầu tư uy tín…

Một dự án bất động sản ở TP. Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: GD

Liên quan tới thủ tục đầu tư xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình, tiếp tục đơn giản hóa các bước, bởi "thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn, cắt được bước nào thì phải cắt và làm nghiêm túc. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu, và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật".

Trước đó, cũng liên quan tới kiến nghị bỏ thục tục chấp thuận chủ trương đầu tư, như Nhadautu.vn nêu trong bài viết "Doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh vì thủ tục chấp thuận đầu tư", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho rằng, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế, thủ tục này làm tăng thời gian khoảng từ 2-5 năm và chi phí chuẩn bị đầu tư, khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh do chờ đợi phê duyệt.

Việc phải qua nhiều bước và nhiều cơ quan liên quan để "xin chấp thuận chủ trương hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư" (chỉ mang tính chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô dự án) trước khi được chính thức triển khai dự án không tạo thêm giá trị quản lý đáng kể, bởi các nội dung đó đều đã được xem xét trong quá trình thực hiện các luật chuyên ngành doanh nghiệp xin giao đất, thuê đất hoặc xin giấy phép xây dựng... Đồng thời, thủ tục này làm trùng lặp quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, tạo gánh nặng hành chính cho khu vực kinh tế tư nhân.

"Nếu bãi bỏ quy định trên, có thể cắt giảm được khoảng 30-50% "cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh" các bước thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tùy theo loại dự án. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, nhờ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và sớm đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh", ông cho hay.

Tương tự, nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội khác cũng đề xuất bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là một khâu trọng yếu trong chuỗi quy trình pháp lý triển khai dự án tại Việt Nam. Vai trò của thủ tục này nhằm sàng lọc dự án có phù hợp định hướng phát triển, quy hoạch... Nhưng, nếu không được thiết kế và vận hành hiệu quả, cơ chế này sẽ là điểm nghẽn, cản trở quá trình thu hút đầu tư.

Bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là bất hợp lý

Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến nêu trên, ThS Nguyễn Đỉnh, chuyên gia pháp lý BĐS nhìn nhận, việc bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là bất hợp lý.

Cụ thể, ông Đỉnh nêu rõ, một dự án đầu tư được chấp thuận phải căn cứ vào sự phù hợp với hệ thống các quy hoạch, mà để đánh giá sự phù hợp này thì cần có 1 bước đánh giá, tổng rà soát cuối cùng đó chính là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

"Nếu bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nào sẽ đánh giá sự phù hợp?", ông đặt vấn đề và cho biết, đề xuất bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không có ý nghĩa trong thực tiễn, sẽ làm phình thêm những điểm nghẽn mới.

Chia sẻ thêm, ông Đỉnh phân tích, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ sở để xác lập dự án đầu tư, qua đó xác lập rõ ràng các thông tin: Quy mô dự án, mục tiêu dự án, thời hạn thực hiện dự án, tiến độ thực hiện, quyền - nghĩa vụ của các bên với nhau (của nhà nước, nhà đầu tư…), xác định các ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư sẽ được hưởng…

"Nếu không có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì rất khó xác định rõ ràng ngay từ đầu. Quá trình thực hiện phát sinh bất cập, tranh cãi, cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết, lúc đó sẽ rất mất thời gian", ông cho hay.

Tựu chung, chuyên gia nhận định, thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cần thiết. Vấn đề còn lại chỉ là sửa Luật Đầu tư để phân cấp triệt để thẩm quyền cho cấp địa phương (dự thảo sửa Luật Đầu tư đang trình Quốc hội); Thủ tục thẩm định, đánh giá, chấp thuận chủ trương đầu tư phải nhanh, gọn hơn, tối giản nhất có thể, tránh cồng kềnh như hiện nay.

"Nếu vấn đề hiện nay là thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư quá dài, thì để giải quyết nó, phải làm sao toàn bộ quy trình 3 bước trình - thẩm định - chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ gói gọn trong 2 tuần, chứ không thể bỏ thủ tục này đi", ông Đỉnh nhấn mạnh.

Khung pháp lý