CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT: Một chính sách lợi đôi, ba đường

Invest Global 14:48 23/02/2023

Từ đầu năm tới nay, các hiệp hội, ngành hàng liên tục đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% áp dụng cho cả năm 2023. Nhiều ý kiến đánh giá đề xuất này là hợp lý từ minh chứng giảm thuế VAT là một trong

Để tiêu dùng nội địa giữ được động lực tăng trưởng

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó bao gồm chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Đánh giá tác động tới thu ngân sách nhà nước vào thời điểm ban hành chính sách, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49.400 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên cuối năm 2022 số liệu thực tế được ghi nhận là 38.900 tỷ đồng.

Mặc dù giảm thu trực tiếp vào ngân sách nhà nước, song chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực khi làm giảm giá bán của một số hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, đồng thời còn giảm áp lực lạm phát.

de xuat tiep tuc giam thue vat mot chinh sach loi doi ba duong Việc giảm thuế GTGT sẽ kích cầu tiêu dùng

Tổng cục Thống kê đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường. Kết quả đạt được là nhờ Chính phủ đã kịp thời ban hành một số chính sách hiệu quả nhằm giảm áp lực lạm phát. Trong nhóm chính sách tài khoá, tích cực nhất là giảm thuế GTGT với một số nhóm hàng hoá và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022. Thuế GTGT giảm đã kích thích tiêu dùng nội địa, nhờ đó tiêu dùng trong nước là một trong số ít điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2022.

Bên cạnh đó, dù trực tiếp làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38.900 tỷ đồng, song tác động tăng thu của chính sách giảm thuế GTGT cũng đã được thể hiện. Bởi theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2022 tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,79 triệu tỷ đồng, tăng khá 13,8% so với năm 2021 và vượt tới 26,4% so với dự toán năm. Đáng chú ý là thu nội địa cũng tăng khá ở mức 9% so với năm 2021, và vượt 20,8% so với dự toán. Trong thu nội địa đã bao gồm các khoản thu từ thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Điều đó chứng tỏ việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ người dân tăng chi tiêu, kích thích doanh nghiệp tăng sản xuất; từ đó tạo ra nguồn thu lớn hơn từ các loại thuế gián thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…

Ngay từ đầu năm 2023, tiêu dùng nội địa được dự báo có thể chậm lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang tác động trực tiếp đến thu nhập bình quân hộ gia đình. Báo cáo của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022 và dự báo quý I/2023 cũng ghi nhận, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất của doanh nghiệp là “nhu cầu thị trường trong nước thấp”, với tỷ lệ trả lời gần 50%, cao nhất trong các nhóm yếu tố. Nếu không có giải pháp kích thích kịp thời, tiêu dùng nội địa khó có thể tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng trong năm 2023.

Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, các hiệp hội, ngành hàng đều đánh giá cao tính hiệu quả của giải pháp giảm thuế GTGT. Ngay từ tháng 1/2023 khi chính sách này hết hiệu lực, đã có nhiều hiệp hội, ngành hàng đề nghị được tiếp tục thực hiện sang cả năm 2023. Cụ thể là Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA); Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA); Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); và mới đây là Hiệp hội tư vấn thuế (VTCA) đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế VAT như đã áp dụng trong năm 2022.

Chính sách tài khoá cần tạo thêm lực đẩy

Tại Nghị quyết 01 ban hành ngay đầu năm 2023, Chính phủ đã đưa ra 6 quan điểm, trọng tâm trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế, trong đó có việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác, nhằm cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong bối cảnh sức ép lạm phát đang đe dọa gia tăng mạnh hơn, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ cần tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế cần đặt lên vai chính sách tài khoá và các chính sách hỗ trợ khác.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn trong năm 2023, thị trường nội địa chưa hoàn toàn phục hồi, thu ngân sách năm 2022 tăng khá và thặng dư ngân sách khoảng 222.500 tỷ đồng. Đây là cơ sở để duy trì chính sách giảm thuế GTGT vì chính sách này có thể đi nhanh vào nền kinh tế và hỗ trợ các nhóm đối tượng có liên quan.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích, ngân sách nhà nước đã có 2 năm liên tiếp thặng dư. Đây là cơ sở đầu tiên để xem xét việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, năm 2023 dự toán bội chi ngân sách nhà nước khoảng 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Như vậy Bộ Tài chính dự báo, năm 2023 ngân sách không còn thặng dư mà sẽ quay trở lại tình trạng chi nhiều hơn thu do đẩy mạnh thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ông Kiên cho rằng kể cả chấp nhận bội chi ngân sách ở mức cao hơn con số 4,42% GDP cũng là chấp nhận được. “Khi chấp nhận bội chi cao hơn, cơ quan điều hành chính sách tài khoá có thể nới rộng biên độ của các chính sách giảm thuế, qua đó chấp nhận giảm nguồn thu để tiếp tục kích thích nền kinh tế phục hồi như đã làm trong năm 2022”, TS. Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị.

Từ góc độ hiệu quả của quá trình thực thi chính sách, việc giảm thuế GTGT cũng được đánh giá cao bởi tính lan toả và dễ thực hiện. Theo đó, đối tượng chịu thuế, gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng có tính hiển thị cao và đều được hưởng lợi, vì vậy khi giảm thuế sẽ tạo được sự công bằng và hiệu quả về kinh tế do tất cả các đối tượng chịu tác động chính sách đều đồng thuận. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách được đánh giá là đơn giản, minh bạch, do không đặt ra các tiêu chí xét duyệt nên có thể áp dụng ngay và giảm chi phí thực thi.

Khung pháp lý