CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 497 triệu đồng/năm

Invest Global 14:16 19/12/2023

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 sẽ trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, trung tâm kinh tế biển quốc gia, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 1.982,56km2 gồm các đơn vị hành chính: thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo.

TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

Theo quy hoạch, yêu cầu tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế cạnh tranh về hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt; lợi thế biển, đảo; lợi thế tự nhiên và vai trò, vị trí của tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, phát triển mạnh kinh tế biển, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị; trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; thành lập khu thương mại tự do; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các ngành năng lượng tái tạo.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.

Đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong đó, một số yêu cầu, chỉ tiêu nổi bật là phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài – TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và vùng động lực phía Nam.

Về kinh tế, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500USD). Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng khoảng 58-58,5% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 40-43%); dịch vụ 29-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5-6,7%.

Cùng với đó, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

30 KHU CÔNG NGHIỆP VẬN HÀNH VÀO NĂM 2024

Bên cạnh đó, theo Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2024 sẽ có 30 dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào vận hành. Sở đang phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục theo quy định.

Theo đó, trong tổng số 30 dự án sản xuất công nghiệp dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024, đến nay có 6 dự án đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất, vận hành chạy thử; 19 dự án đã hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng và đang tổ chức thi công xây dựng; 5 dự án đang làm thủ tục cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các ngành liên quan tập trung hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục nghiệm thu, đưa vào vận hành đối với 6 dự án đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất, vận hành chạy thử.

Cùng với đó, sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đối với 19 dự án đã hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy và được cấp phép xây dựng; hỗ trợ cấp giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng đối với 5 dự án.

Ngoài ra, Sở chủ động phối hợp Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, phí, thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu các nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị để phục vụ thi công dự án, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ công trình, đi vào hoạt động sớm hơn so với kế hoạch.

Đối với các dự án có lao động nước ngoài sẽ đẩy nhanh thủ tục về cấp phép lao động nước ngoài, nhất là các chuyên gia có tay nghề cao; tuyển dụng đủ lao động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động khi dự án đi vào hoạt động.

Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu trừ dầu khí tăng 9,47%. Hiện 13 khu công nghiệp đã lấp đầy 66,47%, tại các cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy khoảng 61,06%.

Thông tin Doanh nghiệp