CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dịch Covid-19 làm gia tăng sử dụng túi nilon và đồ nhựa

Invest Global 08:26 24/01/2022

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc các cửa hàng ăn uống chuyển sang hình thức “bán mang về” đã khiến lượng hộp nhựa, cốc nhựa dùng mội lần tăng lên. Mặt khác, các hoạt động mua bán online thực phẩm đang trở thành xu thế, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid càng làm gia tăng nhu cầu sử dụng túi nilon và bao bì nhựa….

Tình trạng trên được nêu lên trong Báo cáo khảo sát “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu dùng bao bì từ nhựa dùng một lần tại Hà Nội và TP.HCM” do Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện.

SỬ DỤNG BAO BÌ NHỰA GIA TĂNG

Tại Việt Nam, bao bì nhựa và túi nilon chiếm 39% trong tổng lượng sản phẩm ngành nhựa, cao hơn 9% so với mức bình quân của thế giới (theo UN Environment). Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường, trung bình mỗi ngày, một gia đình Việt Nam sử dụng và thải ra ít nhất 10 túi ni lông.

Dạng bao bì nhựa này rất khó phân hủy (thời gian phân hủy mất hàng thế kỷ), khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước (xói mòn đất, là đất bạc màu, nước nhiễm độc). Thêm vào đó, quá trình sản xuất nó sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mặc dù TP Hà Nội và TP.HCM đề đã ban hành Kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon, đề ra mục tiêu đến hết năm 2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lon.

Thế nhưng kết quả khảo sát của WWF năm 2021 cho thấy, hầu hết các đơn vị chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội và TP. HCM đều sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó phổ biến nhất là túi nilon (chiếm 94,4%) kế đến là màng bọc thực phẩm, găng tay nilon (chiếm 83,3%), còn lại là các sản phẩm cốc, ống hút và đĩa thìa nhựa.

Tỷ trọng từng loại sản phẩm nhựa được sử dụng tại các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm (theo WWF)Tỷ trọng từng loại sản phẩm nhựa được sử dụng tại các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm (theo WWF)

Ngay cả với những doanh nghiệp có thiên hướng kinh doanh và chế biến các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường thì vẫn có nhu cầu sử dụng bao bì nhựa.

Đơn cử, Công ty DTK (ở Hà Nội) chuyên sản xuất trứng gà, mỗi ngày sử dụng 850 khay nhựa để đựng trứng bán vào các siêu thị. Tập đoàn Goden Gate (ở Hà Nội) với chuỗi nhà hàng ăn uống mỗi ngày sử dụng 500 -600 cốc nhựa dùng một lần. Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Hà Thành (Hà Nội) mỗi ngày sử dụng trên 10kg túi nilong và chai nhựa.

Các quán ăn đơn lẻ cũng sử dụng lượng túi nilon và đồ nhựa khá lớn, như: Quán cơm Trung Nam (ở TP. HCM) sử dụng 4kg túi nilon và 300 hộp xốp/ngày; Cửa hàng chè Thành công (Hà Nội) dùng 20 -35 cốc nhựa/ngày; Quán cà phê Napoli mỗi ngày sử dụng 120 cốc nhựa để đựng đồ uống cho khách mang về nhà.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số doanh nghiệp, nhà hàng thường xuyên sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa hàng ngày, trong đó nhiều nhất vẫn là túi nilon (chiếm 88%); kế đến là các bao bì khác như cốc nhựa, màng bọc, găng tay (chiếm 73%).

"Khảo sát về lượng bao bì nhựa sử dụng từ khi có dịch Covid-19, thì 27,8% số người được hỏi cho rằng nhu cầu này không thay đổi; trong khi 44,4% số người được hỏi đã xác nhận việc tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa tăng lên so với trước khi có dịch Covid-19".

Báo cáo “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu dùng bao bì từ nhựa dùng một lần tại Hà Nội và TP.  Hồ Chí Minh” do WWF thực hiện.

“Thời gian giãn cách xã hội, chỉ bán cơm cho khách mang về chứ không ăn tại chỗ. Bình thường mỗi ngày bán được 200 suất thì thời điểm đó bán gấp đôi. Mỗi suất cơm được đựng vào hộp xốp còn thức ăn thì đựng vào túi nilon. Nghĩa là bán 400 suất cơm tương đương với 400 hộp xốp thì lượng túi nilon phải gấp 2 lần”, chị L. chủ quán cơm T.N tại Tp. H.C.M cho hay.

Cần phải khẳng định rằng, ở các nhà hàng bán tại chỗ, không bán mang về thì nhu cầu sử dụng túi nilon vẫn rất phong phú.

Chẳng hạn. tại Nhà hàng Câu lạc bộ thuyền trên sông tại TP Hồ Chí Minh (ROS), nhu cầu sử dụng các loai bao bì và sản phẩm nhựa hàng ngày phổ biến là màng bọc thực phẩm, găng tay nilon, cốc ly nhựa, ống hút nhựa, khay, vỉ nhựa (đựng hải sản, trứng).

Khi phân tích kỹ hơn xu hướng tăng tiêu dùng bao bì ở các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, một phát hiện thú vị đó là, đa số những cơ sở này đều đã có hoặc mở thêm hình thức bán hàng trực tuyến trong thời gian dịch bệnh.

Như vậy, có một mối liên hệ rõ ràng giữa việc tăng cường bán hàng trực tuyến hay bán mang đi (take away) đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa.

CẦN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT BAO BÌ TỰ HỦY

Hiện tại đã có những cơ sở kinh doanh ăn uống chuyển sang sử dụng túi, hộp giấy, ông hút dễ phân hủy. Tuy nhiên, số cơ sở này vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Nguyên nhận do, bao bì tự phân hủy giá thành cao, chưa sẵn có trên thị trường, chưa tiện dụng, khó cạnh tranh (hộp xốp làm bằng bã mía đựng cơm bị dính và thức ăn kém ngon; cốc giấy không thể mang đi với số lượng lớn, không thể dập nắp, hay bị đổ).

Dịch Covid-19 làm gia tăng sử dụng túi nilon và đồ nhựa - Ảnh 1

Kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy, 65% ý kiến trả lời sẵn sàng chi trả từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/1 lần mua sắm để sử dụng sản phẩm bao bì khác thân thiện hơn với môi trường.

Thế nhưng, lại có sự “lệch pha” giữa tâm lý người bán hàng và người tiêu dùng: trong khi người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm chi phí để được sử dụng bao bì khác tốt thì các cơ sở chế biên kinh doanh thực phẩm lại rất e ngại khi phải tính thêm chi phí cho khách hàng.

Từ kết quả khảo sát nghiên cứu, WWF đưa ra kiến nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm kích cầu tăng tiêu dùng đối với các loại bao bì và sản phẩm thân thiện với môi trường.

Song song với tiến trình này, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất bao bì tự phân hủy để đa dạng hóa và hạ giá thành của những sản phẩm này.

Một số chính sách và các hoạt động cụ thể nên ban hành trong giai đoạn này, đó là: vận động, thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu, trường Đại học, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm tự hủy thay thế bao bì và sản phẩm nhựa.

Cần liên kết với các ngân hàng, đưa ra các gói cho vay và vay ưu đãi để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất sản phẩm tự hủy. Thực tế cho thấy, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường (như túi, hộp làm bằng lõi ngô, bã mía) chưa được quan tâm thúc đẩy.

Về giải pháp dài hạn, các chuyên gia của WWF cho rằng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp chế tài nhằm giảm tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa, như tính chi phí xử lý môi trường hay cấm lưu hành một  số loại sản phẩm nhựa. Nên thiết lập quy định về sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa trong các cơ sở chế biến, kinh doanh phân phối, tiêu dùng thực phẩm.