CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Điểm trũng' lợi nhuận ngân hàng

Invest Global 14:09 16/06/2020

Việc phải tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng trong quý II giảm rõ rệt.

Eximbank điều chỉnh giảm 40% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch ban đầu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo một số ngân hàng thận trọng khi dự báo sớm kết quả lợi nhuận quý II. Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tổ chức mới đây cho thấy một số ngân hàng phải điều chỉnh giảm 20 - 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020.

Mục tiêu ban đầu sớm bị phá vỡ

Trong quý I, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng cũng cho rằng lợi nhuận quý II/2020 giảm là điều khó tránh, do ngân hàng phải tái cơ cấu, giãn nợ và không được thu các khoản dự thu theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Trong khi đó, tỷ trọng thu của tín dụng vẫn chiếm phần lớn trong tổng thu của ngân hàng. 

“Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Cùng với đó, hàng loạt mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh giảm. Những chính sách quan trọng này được ban hành vào thời điểm cuối quý I, nên tác động từ độ trễ chính sách sẽ bắt đầu từ quý II”, một chuyên gia phân tích.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, mức lãi trong quý II/2020 giảm là điều khó tránh vì số tiền giảm đi do áp dụng các ưu đãi này. Các chính sách hỗ trợ, cùng san sẻ rủi ro với khách hàng như vậy chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu nhập từ tín dụng. Nguồn thu phí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi giao dịch trong nền kinh tế bị chậm lại.

Tại ĐHĐCĐ được tổ chức mới đây, Eximbank đã quyết định điều chỉnh giảm 40% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC phải giãn tiến độ khiến kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ còn 1.318 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại diện Sacombank cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19, ngân hàng phải tập trung cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay giảm 20% so với thực hiện năm 2019, dự kiến đạt 2.573 tỷ đồng.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ, ACB đã thông qua kế hoạch kinh doanh với dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 7.636 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với con số được thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam (8.700 tỷ đồng trước thuế).

VPBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh an toàn, với lợi nhuận hợp nhất năm nay dự kiến là 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với thực hiện năm 2019.

Chủ động giảm tỷ trọng thu từ tín dụng

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam, nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp ở nhiều nước trên thế giới ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Điều này tác động đến lợi nhuận ngân hàng, khả năng nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận của 4 ngân hàng có vốn nhà nước năm nay giảm khoảng 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.  
Trong đó, VietinBank đã xác định trong năm 2020 sẽ tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; còn dự kiến lợi nhuận của Vietcombank giảm trên 2.240 tỷ đồng.

BIDV cũng thông tin kế hoạch lợi nhuận sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Kết thúc quý I/2020, BIDV đã giảm lãi trước thuế tới 28% so với cùng kỳ do dự phòng tăng hơn 6.000 tỷ đồng.

Theo phân tích tại báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Đặc biệt, quý II này sẽ là "điểm trũng" lợi nhuận.

Các chuyên gia đánh giá khó khăn cho ngành ngân hàng sẽ giảm khi nền kinh tế bước sang quý III và quý IV, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản hồi phục thì mới xuất hiện cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng và các ngành nghề khác.

Trên thực tế, bước sang tháng 5, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn rất thấp so với nhiều năm qua. Tính đến ngày 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều (5 tháng đầu năm 2019 tăng 5,74%), và còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%.

Chính vì dự báo được khó khăn chưa sớm kết thúc và lợi nhuận khả năng sụt giảm tiếp trong quý II/2020, các chuyên gia cho rằng, việc giảm tăng trưởng tín dụng là cơ hội tốt để các ngân hàng điều chỉnh danh mục cho vay hướng tới một khẩu vị rủi ro mới an toàn và bền vững hơn.

Thậm chí, đây là thời cơ để các ngân hàng hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản, tiến tới giảm tỷ trọng tín dụng, tăng các tài sản khác, mặc dù đó là điều không hề dễ dàng vì tín dụng luôn được coi là tài sản cơ bản nhất của kinh doanh ngân hàng nhưng cũng mang lại nhiều tổn thất nhất nếu rủi ro tín dụng xảy ra. 

Do đó, giảm tỷ trọng tín dụng, giảm thu lãi từ tín dụng, tăng tỷ trọng các hoạt động dịch vụ, từ đó tăng thu từ những hoạt động phi tín dụng luôn là mục tiêu của nhiều ngân hàng.

Thanh Hoa