CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết hạ giá bán lợn hơi

Invest Global 09:14 31/03/2020

Ngày 30/3/2020, tại cuộc các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, tất cả 15 doanh nghiệp tham dự đã cam kết đưa giá thịt lợn hơi (xuất tại cửa chuồng) xuống 70.000 đồng/kg.  

Đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại cuộc họp, trong đó có những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành như Công ty C.P  Việt Nam, Công ty CJ Vina; Dabaco; Japfa Comfeed; Emivest… đã cùng giơ tay biểu quyết cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4/2020 và đề nghị của Bộ NN&PTNT. Tất cả đều có chung nhận định việc điều chỉnh giá lợn cần phải được triển khai đồng loạt ở các doanh nghiệp lớn, chứ bản thân một vài doanh nghiệp không thể quyết định được thị trường và kéo được giá lợn chung của thị trường xuống.

Kiến nghị đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P  Việt Nam cho biết, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng cũng như đề nghị của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, C.P Việt Nam đã điều chỉnh mức giá lợn hơi từ 80-85 nghìn đồng/kg thời điểm cuối măm 2019 – đầu năm 2020 xuống mức 73-75 nghìn đồng/kg.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp

Tuy nhiên, mặc dù C.P và một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, nhưng trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao.

Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140.000 đồng/kg.

“Thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp. ”, ông Tuấn nói.

Theo Phó Tổng giám đốc C.P  Việt Nam, nhằm giảm khâu trung gian, thời gian tới, Công ty sẽ trực tiếp đẩy mạnh bán thịt lợn trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Hiện, nhà máy giết mổ của C.P xây dựng tại Chương Mỹ (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, với công suất trên 4.000 con/ngày. Điều này sẽ cải thiện được chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian… Bên cạnh đó, C.P cũng đã xúc tiến triển khai liên kết với các nhà máy giết mổ chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO, ông Đào Mạnh Lương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin… cùng đại diện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cùng kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia… Bởi đây là mặt hàng những năm qua thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá.

Phấn đấu tăng đàn 25% trong năm 2020

Hoan nghênh tinh thần đồng hành của Công ty C.P và các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái đàn, cần phấn đấu tăng đàn đạt mục tiêu 25% trong năm 2020 nhằm góp phần cải thiện nguồn cung thịt lợn trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc cung ứng nguồn giống phục vụ tái đàn cho hệ thống các trang trại, cơ sở chăn nuôi trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp giơ tay biểu quyết cam kết hạ giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg

“Đến nay, những nền tảng cơ bản của ngành hàng chăn nuôi lợn vẫn đảm bảo được cho công tác tái đàn, tăng đàn, nhất là hệ thống đàn lợn cụ kỵ, ông bà, đàn lợn nái; hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được phổ biến nhân rộng và siết chặt… Bên cạnh đó, việc dịch tả lợn châu Phi hiện tại đã được khống chế cơ bản với gần 100% số xã đã qua 30 ngày không có dịch là điều kiện hết sức thuận lợi nhằm đẩy nhanh tổng đàn lợn, đáp ứng cân bằng cung – cầu nhu cầu thịt lợn trong thời gian tới”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại Việt Nam. Chăn nuôi lợn không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phải định hướng vươn ra xuất khẩu thị trường thế giới. Vì vậy, việc đưa giá lợn hơi xuống mức hợp lý chính là nhằm giữ được thị trường trong nước một cách bền vững, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc giá lợn hơi duy trì kéo dài trên mức 80.000 đồng/kg từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Bên cạnh việc nguồn cung thịt lợn tạm thời bị thiếu hụt do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, việc tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân; có hiện tượng găm giá, găm hàng chờ giá tăng cao hơn nữa của người chăn nuôi; chi phí của các khâu trung gian trong hệ thống phân phối thịt lợn tới tay người tiêu dùng còn quá cao… đã khiến giá thịt lợn tăng cao kéo dài.

“Trong hoàn cảnh khó khăn, suy giảm kinh tế, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc phải mua thịt lợn với giá cao đã khiến người tiêu dùng, người dân thêm phần khó khăn trong đời sống. Việc giảm giá thịt lợn vì thế không chỉ góp phần ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội, mà đây còn là thể hiện cả về mặt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thể hiện tính nhân văn, cao hơn là trách nhiệm chính trị của các doanh nghệp trong ngành chăn nuôi… với đất nước, với người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành chăn nuôi: Trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ ngành thời gian tới xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có tăng mạnh đàn lợn nhưng không làm mất cân đối cung cầu trong dài hạn. Bởi bài học phải “giải cứu” thịt lợn đến nay vẫn còn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang tạm thời bị thiếu hụt… Đồng thời, rà soát khâu trung gian trong phân phối thịt lợn; ngăn chặn phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng xuất khẩu lợn và sản phẩm lợn trái phép.

“Đề nghị các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng về việc hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4/2020. Đồng thời, hướng đến sẽ tiếp tục giảm lợn sâu hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

                                     Chu Khôi

Doanh nghiệp - Doanh nhân