CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp chủ động kết nối, xúc tiến thương mại cho vải thiều

Invest Global 08:54 22/05/2024

Dự kiến từ nay cho tới trung tuần tháng 6, vải thiều chín sớm sẽ được thu hoạch. Hiện nay, các địa phương trồng vải thiều dự kiến tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, cùng các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều.

(TBTCO) - Dự kiến từ nay cho tới trung tuần tháng 6, vải thiều chín sớm sẽ được thu hoạch. Hiện nay, các địa phương trồng vải thiều dự kiến tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, cùng các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều.

Doanh nghiệp chủ động kết nối, xúc tiến thương mại cho vải thiều Sản phẩm vải thiều tại siêu thị. Ảnh tư liệu Giá tăng khoảng 20%

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, năm 2024 sản lượng vải toàn tỉnh ước khoảng 100 nghìn tấn, bằng khoảng 50% so với năm 2023. Các vùng vải được chăm sóc theo quy trình bảo đảm an toàn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 đến 30/7, trong đó thu hoạch vải sớm từ 20/5 đến 15/6, vải chính vụ từ 10/6 trở đi.

Điều đáng mừng là mùa vải năm nay có nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn tìm kiếm và ký hợp đồng dài hạn với các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ví dụ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP. Bắc Giang) đã ký hợp tác với xã Phúc Hòa (Tân Yên) cam kết tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2024 - 2028 với mức giá 35.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với giá mọi năm.

Tương tự, tại TP. Uông Bí (Quảng Ninh) các thương lái đã và đang đổ xô về đây để thu mua những xe vải chín sớm, đưa ra thị trường. Cây vải chín sớm Phương Nam được trồng nơi đây là một trong những giống vải có chất lượng tốt nhất. Vùng vải hiện có diện tích hơn 400 ha, ước cho sản lượng 1.800 tấn trong vụ năm nay. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 cho đến trước ngày 6/6, khi mùa vải thiều bắt đầu. Theo khảo sát, giá bán tại vườn là 35.000/kg - 50.000/kg.

Vải thiều là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của Hải Dương. Vụ vải năm 2024, Hải Dương có 120 ha của 12 vùng trồng vải đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường cao cấp, tăng 1 vùng với diện tích 10 ha so với vụ vải năm 2023. Trong đó 11 vùng trồng vải ở huyện Thanh Hà và 1 vùng trồng ở xã Bắc An (Chí Linh). Sản lượng vải ở 12 vùng ước đạt gần 1.500 tấn. Hiện nay, vải sớm của Thanh Hà đang được bán với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg. Dự kiến giá thu mua xuất khẩu sẽ tăng cao.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trong mùa vải mới, các tỉnh đã chủ động, sẵn sàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ bà con cũng như DN, thương nhân trong và ngoài nước cho việc thu hái và bao tiêu.

Xác định thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều quan trọng, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2024. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bắc Giang; thu hút các đối tác, DN trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước quan tâm, hợp tác, đầu tư tại Bắc Giang. Riêng từ đầu vụ đến nay, Sở NN&PTNT Bắc Giang đã tổ chức 8 buổi làm việc với các DN sang khảo sát vùng nguyên liệu xuất khẩu. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện về sơ chế, đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thái Lan…

Sở Công thương Hải Dương cho hay, để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản tỉnh, Hải Dương đã và đang chủ động nhiều giải pháp. Theo đó, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, định hướng về bảo quản, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tích cực tổ chức đưa vải thiều và nông sản của tỉnh quảng bá tới các thị trường trong và ngoài nước.

Có thể thấy, cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường, tìm kiếm đối tác; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh…, các địa phương cũng triển khai tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với sự chủ động vào cuộc của các địa phương, các Thương vụ Việt Nam cũng đề nghị các DN xuất khẩu cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng ở từng thị trường. Đồng thời, tìm các giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh so với các nước khác./.

Doanh nghiệp - Doanh nhân