CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp ngành thực phẩm tìm đường vượt khó

Invest Global 13:42 30/06/2023

Trong bối cảnh sức mua giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp ngành thực phẩm tăng cường đầu tư sản xuất, đẩy mạnh phát triển bền vững, sản xuất xanh để thích ứng, vượt khó.

thucpham-kn1Sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Ảnh: KN

Sức mua giảm…

Dữ liệu từ khảo sát "Thói quen tiêu dùng 2023" của PwC cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu. Cụ thể, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%).

Sự cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.

Chia sẻ với phóng viên Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn CentralRetail cho biết tình hình chung mọi người đều đang khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao chi tiêu nên nhu cầu đa phần tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Dù khá hài lòng về sản lượng cũng như chất lượng gạo đạt được trong nửa đầu năm 2023 nhưng ông Huỳnh Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển Farm lại e ngại về vấn đề đơn hàng tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

"Dù nói gạo là thực phẩm thiết yếu bậc nhất tuy nhiên lượng đơn hàng của chúng tôi vẫn giảm trong thời gian qua. Bên cạnh đó giá thành, thuế phí và các chính sách hỗ trợ vẫn còn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn", ông Vinh tâm tư.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp ngành lương thực còn mang nỗi lo cạnh tranh về thị phần ngay chính sân nhà. Bởi hiện nay thị trường tiêu dùng trong nước không chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp Việt mà các quốc gia khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ...đang dần chiếm ưu thế.

Là chủ của 1 doanh nghiệp kinh doanh nước mắm truyền thống tại Phú Quốc, ông Nguyễn Huỳnh Thanh Khoa công ty CP Thương mại Khải Hoà cho biết, hiện người dân khá khắt khe về mặt tiêu dùng vì kinh tế dần hồi phục nên doanh số Khải Hoàn giảm mạnh so với cách đây 2 năm.

"Mặc dù lạm phát khiến mọi chi phí đầu vào đều tăng nhưng doanh nghiệp chúng tôi vẫn không tăng giá sản phẩm. Cái khó của chúng tôi là kinh doanh mặt hàng nước mắm truyền thống nên giá chênh lệch so với các loại nước mắm công nghiệp khiến người tiêu dùng cũng đắn đo trong lựa chọn sử dụng", ông Khoa cho biết thêm.

thucpham.kn2Đầu tư sản xuất bền vững là cách để doanh nghiệp có thể vượt khó. Ảnh: K.N

Tìm giải pháp vượt khó

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng sau đại dịch Covid-19 xu hướng người dùng lại dần chuyển sang sản phẩm bền vững (xanh, sạch) nhằm bảo vệ sức khỏe.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những thay đổi hành vi tiêu dùng như phân tích vừa là thách thức cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi tư duy, cách thức kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn và phát triển hơn trong cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Nắm bắt được điều này công ty Tâm Minh Food đã đẩy mạnh đưa các sản phẩm 100% organic vào nhiều kênh phân phối trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Giám đốc kinh doanh của đơn vị này cho biết thêm, sau dịch Covid-19 người tiêu dùng hướng đến thực phẩm từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe. Dù vấp phải sức cạnh tranh thị trường khá lớn nhưng hàng loạt sản phẩm của công ty đã đưa đến tay người dùng qua các tiệm tạp hóa, cửa hàng tiêu thụ như Bách Hóa Xanh, Circle K, Family Mart...

Trong xu hướng phát triển chung với lối sống xanh hóa, doanh nghiệp gạo Vinh Hiển cũng đóng góp bằng cách sấy lúa bằng năng lượng mặt trời. Điều này không chỉ góp phần ổn định điện nhà nước đặc biệt mùa khô đang thiếu điện và tự cung ứng nguồn điện sử dụng với nguồn năng lượng tái tạo mà còn giúp doanh nghiệp giảm đến 20% chi phí đầu vào cũng như bảo vệ môi trường.

Để tìm đường vượt khó cho thương hiệu nước mắm Phú Quốc, ông Khoa cho biết doanh nghiệp đang khắt khe hơn trong quy trình sản xuất và luôn đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị này còn ưu tiên vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng bao bì nhãn mác bằng nguyên liệu tái chế để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn nhắm đến các tiêu chuẩn của các thị trường khó tính ngoài nước.

Không riêng doanh nghiệp, các kênh phân phối hàng tiêu dùng thuộc lĩnh vực thực phẩm cũng tăng cường kết nối trong chuỗi cung ứng bằng cách trực tiếp liên hệ với các địa phương cung ứng sản phẩm vào hệ thống để kiểm định chất lượng cũng như xác định nguồn gốc sản phẩm.

"Lương thực thực phẩm vẫn là nhu cầu thiết yếu nên dù người dùng có siết chặt chi tiêu thì hệ thống của chúng tôi vẫn tăng cường chất lượng sản phẩm trên các kệ hàng cũng như tạo ra các gói khuyến mãi, hạ giá thành nhằm kích cầu tiêu dùng", bà Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh, sự thay đổi nội tại như đã phân tích thì hiện nay các doanh nghiệp ngành thực phẩm luôn cần sự kết nối để tìm đầu ra cũng như nắm thị trường để có hướng phát triển sản phẩm. Hiểu được nhu cầu cấp bách này UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện Triển lãm hội chợ ngành lương thực thực phẩm từ ngày 28-30/6 với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp đến từ cả nước.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Triển lãm lần này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm tốt ra thị trường thế giới. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiếp cận thông tin và xây dựng chiến lược đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Có thể khẳng định ngành lương thực thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Riêng với TP.HCM, ngành lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030.

Môi trường kinh doanh