CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Nhiều doanh nghiệp tất bật hoàn thành các dự án cũng như mục tiêu kinh doanh đề ra vào giai đoạn cuối năm. Với những tín hiệu tích cực hiện tại và mức tăng trưởng tín dụng hiện chỉ còn cách vạch đích 2,5%, các chuyên gia cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm nay sớm đạt được.
Tất bật những ngày cuối năm hoàn thiện nhà máy mới xây tại Bắc Ninh, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Đức Hoàn - Giám đốc Công ty Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng cho biết, đến lúc công ty phải thay đổi và cần nhà máy mới đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu năm tới cũng như đáp ứng yêu cầu khắt khe từ tập khách hàng là doanh
nghiệp FDI. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật tư bao bì trong lĩnh vực công nghiệp, công ty ngày càng phải đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng và năng lực cung ứng cho các nhà máy nước ngoài.
Ông Hoàn cho biết, công ty vay vốn lưu động với lãi suất chỉ 6,2%/năm từ Vietcombank, với thời gian cho vay ngắn 6 tháng, thủ tục đơn giản, dù vất vả xoay vòng nhưng lãi suất vay khá thấp. Lạc quan về những tín hiệu tích cực về bối cảnh sản xuất kinh doanh năm tới song theo lãnh đạo Công ty Thái Hưng, tuỳ loại hình doanh nghiệp và phải từ chính nội lực, mỗi doanh nghiệp lựa chọn có chủ động nắm bắt cơ hội năm tới và sẵn sàng đương đầu khó khăn, thách thức hay không.
Nhu cầu vốn cải thiện rõ nét cuối năm
Nền kinh tế càng về cuối năm càng có thêm thuận lợi, các doanh nghiệp và hệ thống tổ chức tín dụng đều nhìn thấy dấu hiệu phục hồi và phát triển trở lại, đây là một dấu hiệu đáng mừng. Không chỉ Công ty Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang rộn ràng chuẩn bị cho mùa vụ kinh doanh cuối năm và chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới nên nhu cầu vốn rất cao.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch và tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt qua các quý. Theo đó, quý I tăng 5,66%, quý II tăng 6,93%, quý III tăng 7,4% - đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, khi các hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch, tính chung 9 tháng tăng 6,84%. Giai đoạn cuối năm, đà tăng trưởng GDP được đánh giá tốt hơn và các doanh nghiệp tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn gia tăng cuối năm, bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng Dịch vụ Tài chính, Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup nhìn nhận, thanh khoản ngân hàng cuối năm có dấu hiệu căng thẳng nhất thời khi nhìn vào lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Lãi suất qua đêm bằng VND đạt 6,08% vào tháng 11, tăng từ 4,07% trong tháng 9.
Nguyên nhân chính là do tình hình rút vốn từ doanh nghiệp. Cuối năm cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức thực hiện rút vốn để phục vụ cho các dự án và hoàn thành mục tiêu kinh doanh, điều này gián tiếp gây áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước rút hơn 4,5 tỷ USD từ các ngân hàng lớn để giải ngân đầu tư công. Trong quý III/2024, Kho bạc Nhà nước rút một lượng lớn tiền gửi khỏi các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank để giải ngân đầu tư công, dẫn đến việc giảm khoảng 40% tổng số tiền gửi tại các ngân hàng này so với quý trước. Đồng thời, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp tư nhân cũng giảm khoảng 16,6% từ giai đoạn 6 - 9 tháng đầu năm 2024
“Tình hình này buộc nhiều ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, đảm bảo thanh khoản. Các ngân hàng nhỏ và vừa đặc biệt chịu áp lực, phải nâng cao chi phí huy động vốn và gia tăng vay liên ngân hàng ngắn hạn để duy trì hoạt động” - bà Oanh nhìn nhận.
Nhích tăng lãi suất kéo dòng tiền đổ vào ngân hàng
Theo chuyên gia từ FiinGroup, lãi suất huy động cao thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, giúp dòng tiền đổ vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục từ đầu năm đến nay. Nhờ đó, thanh khoản được đảm bảo trong ngắn hạn và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Việc quản lý rủi ro thanh khoản và chiến lược huy động linh hoạt sẽ là yếu tố then chốt giúp hệ thống ngân hàng duy trì sự ổn định trong thời gian tới.
Tín dụng thường bứt tốc cuối năm
Cuối năm nào cũng vậy, doanh nghiệp thường dùng nhiều vốn trước Tết Âm lịch để trả lương, thưởng và phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh cấp tập cuối năm nên nhu cầu về vốn tăng vọt. Có những năm, quý cuối năm tăng trưởng tín dụng tương đương 1/3 cả năm do nhu cầu thị trường. Nhiều ngân hàng lường trước nhu cầu giải ngân tuần sau thì tuần này sẽ đẩy lãi suất huy động lên một chút để đảm bảo và cân đối thanh khoản, dòng tiền. Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, việc lãi suất huy động biến động là điều dễ hiểu vì phụ thuộc cung cầu. Với những ngân hàng thừa vốn thì dư dả giải ngân mà không cần phải tăng lãi suất huy động để hút vốn, còn nhiều ngân hàng cần vài nghìn tỷ đồng để cho vay thì phải tăng lãi suất huy động để hút tiền kịp thời. "Điều này hoàn toàn đúng luật chơi, hoàn toàn hợp lý và do cung cầu thị trường quyết định" - ông Đức nhấn mạnh.
Hơn nữa, để tăng tốc huy động vốn, ngân hàng ưu đãi lãi suất cao hơn với khách hàng gửi lượng tiền lớn. "Thay vì phục vụ 1.000 khách hàng phải lập 1.000 sổ, quản lý 1.000 số dư, thay vào đó, huy động được một khách hàng với lượng tiền cao hơn, ngân hàng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và dòng tiền, nguồn vốn ổn định hơn, thời hạn kéo dài" - ông Đức dẫn chứng.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất duy trì xu hướng giảm hơn một năm qua. Do đó, khi tín dụng tăng tốc vào cuối năm, việc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút vốn là điều dễ hiểu và điều này có thể kéo theo lãi suất cho vay tăng nhẹ là điều không khó để lý giải.
Trả lời báo giới vừa qua, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù thời điểm đầu năm còn nhiều khó khăn tổng quan về mức độ tăng trưởng tín dụng ghi nhận những kết quả tích cực, hài hòa với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nới van tín dụng giúp doanh nghiệp tăng tốc cuối năm
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 29/11, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,9%; đến ngày 7/12/2024 mức tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% và cao hơn mức 9% của cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn đạt khoảng 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Về tăng trưởng tín dụng năm 2024, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 28/8/2024, nhiều ngân hàng cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm được NHNN cấp thêm hạn mức. Mới đây, ngày 28/11/2024, NHNN phát đi thông báo điều chỉnh tăng thêm room tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
NHNN cũng ban hành nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị chuyên đề liên quan để quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo, với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của năm 2025, thị trường bất động sản vẫn còn trì trệ cùng khả năng tăng trưởng chưa thực sự rõ nét của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, tín dụng có thể tăng trưởng ở mức 13 - 17%.