CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đổi mới diện mạo hạ tầng giao thông miền núi phía Bắc

Invest Global 12:22 18/10/2024

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đến thời điểm hiện tại đã cơ bản tháo gỡ xong các khó khăn về bổ sung vốn, chuyển đổi rừng cũng như giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2026. Đây là bước đột phá quan trọng giúp từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

(TBTCO) - Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đến thời điểm hiện tại đã cơ bản tháo gỡ xong các khó khăn về bổ sung vốn, chuyển đổi rừng cũng như giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2026. Đây là bước đột phá quan trọng giúp từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đổi mới diện mạo hạ tầng giao thông miền núi phía Bắc Gói 8 - một trong 11 gói thầu của dự án đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Hải Nam Dự án gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200km

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư), dự án gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200km, tiến độ thực hiện 5 năm (từ năm 2019 - 2024). Trong đó, tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Điểm đầu (Km0+00) tại Nút giao IC16 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Điểm cuối (Km146+600) tại Km34+800 Quốc lộ 4D, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Chiều dài tuyến khoảng 147km, đường cấp III miền núi.

Tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Điểm đầu (Km0+00) tại nút giao IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối dự án (Km54+069) tại Km209+500 Quốc lộ 32, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chiều dài tuyến khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi. Dự án có 11 gói thầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.

Việc đầu tư dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc, tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực.

Cơ bản giải quyết khó khăn đưa dự án về đích

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, do dự án trải dài qua 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái khoảng 200 km. Ban Quản lý dự án 2 đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các địa phương cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2021, tuy nhiên, do dự án trải dài với khối lượng thu hồi diện tích mặt bằng lớn, các địa phương cùng lúc triển khai nhiều dự án với nhân lực triển khai hạn chế, cũng như còn một số khó khăn, vướng mặc về thủ tục pháp lý Việt Nam và nhà tài trợ ADB, do đó kế hoạch bàn giao mặt bằng chưa đảm bảo theo kế hoạch, phải kéo dài thời gian bàn giao mặt; cũng như việc bàn giao mặt bằng còn xôi đỗ, không liên tục, di dời các công trình Hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường cáp viễn thông, đường ống nước,...) nên việc tổ chức triển khai thi công trên hiện trường gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn lên đến 109 ha phải tiến hành các thủ tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cũng như khó khăn về thiếu vốn GPMB phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 649 tỷ đồng phục vụ công tác này. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chấp thuận chuyển đổi rừng vào 8/11/2023.

Thêm vào đó, hiện tại, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành (173/198 km đạt 87%) tỉnh Lào Cai đã cơ bản bàn giao mặt bằng trong tháng 9/2024; tỉnh Lai Châu đang khẩn trương triển khai đo đạc kiểm đếm khoảng 10 km còn lại để bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024 và tỉnh Yên Bái còn 15 km còn lại sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng trước 30/11/2024.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết thêm, hiện trên toàn dự án đang triển khai khoảng 80 mũi thi công tại 11/11 gói thầu. Lũy kế tổng sản lượng thi công của dự án tính đến nay đạt khoảng 45 %. Tiến độ thi công cơ bản đáp ứng tiến độ. Ban quản lý dự án 2 cũng yêu cầu các đơn vị thi công tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực thi công 3 ca, 4 kíp đối với đoạn tuyến mới được bàn giao mặt bằng. Đồng thời, Ban Quản lý dự án 2 cũng đề xuất và Bộ GTVT cũng đang xem xét có văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến 30/6/2026 và thời hạn hiệp định vay đến 30/12/2026.

Giao thông các tỉnh miền núi phía bắc có tổng mức đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ. Dự án sau khi điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 6.018,1 tỷ đồng (tương đương 265,23 triệu USD). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.019,4 tỷ đồng; chi phí xây dựng 4.155,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 325,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng 417 tỷ đồng…

Môi trường kinh doanh