CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự án Vành đai 4 – Tp.HCM có quy mô chiều dài tuyến hơn 159km đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Tp.HCM. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, cấp đường 100km/h. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2025, hoàn thành công trình, đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2029.
Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 120.000 tỉ đồng, sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về khai thác khoáng sản; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, chỉ định thầu…
Dự án Vành đai 4 – Tp.HCM được phân chia làm 10 dự án thành phần. UBND tỉnh Đồng Nai được giao làm cơ quan chủ quản đối với dự án Thành phần 1-2, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom. Tổng mức đầu tư đối với dự án thành phần được giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản và cơ quan có thẩm quyền thực hiện hơn 26.300 tỉ đồng. Trong tổng mức đầu tư của 2 dự án thành phần này, ngân sách tỉnh Đồng Nai sẽ phải bố trí nguồn vốn hơn 14.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện.
Mới đây, Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ mở hơn 40 km đường kết nối vào Vành đai 4 Tp.HCM. Theo đó, dự án đầu tư cầu Mã Đà và tuyến đường dẫn từ cầu Mã Đà đến Vành đai 4 có tổng mức đầu tư 11.020 tỉ đồng. Trong đó, cầu Mã Đà khoảng 220 tỉ đồng và tuyến đường kết nối khoảng 10.800 tỉ đồng, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Khi mà Đồng Nai đang xúc tiến các phương án với dự án Vành đai 4 – Tp.HCM thì Bình Dương (nay là Tp.HCM) đã khởi công dự án này vào ngày 18/6/2025. Giai đoạn 1 dự án vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua Bình Dương gồm 4 làn xe và có làn dừng khẩn cấp liên tục, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án được triển khai theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) và có tổng mức đầu tư là 11.743 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dự án đường Vành đai 4 – Tp.HCM là công trình giao thông trọng điểm quốc gia có chiều dài toàn tuyến khoảng 207km; đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương 47,8km.
Khi dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM và cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm tải giao thông, liên kết các tỉnh, thành phố, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh và mở rộng không gian phát triển mới…
Đường Vành đai 4 có nghĩa rất quan trọng, nhất là về kết nối vùng và tạo động lực phát triển mới. Hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, tạo chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương rất hiệu quả.
Phó Thủ tướng đề nghị Tp.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, khẩn trương triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương để khởi công các dự án thành phần vào dịp đầu năm 2026.