CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dòng tiền lớn đang chờ 'đổ bộ' vào thị trường chứng khoán Việt

Invest Global 09:29 30/09/2020

Theo nhận định của các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán... thị trường Việt Nam có thể đón dòng vốn khoảng 200 triệu USD sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo báo cáo đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets) vừa mới công bố của CTCK VNDirect, do MSCI đã hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong tháng 4 vừa qua khiến Việt Nam phải chờ sớm nhất tới tháng 11/2020 để trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số cận biên (Frontier) của MSCI.

Khi được nâng lên tỷ trọng lớn nhất trong rổ Frontier, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Market 100 Index có thể được nâng lên lần lượt là 25,2% và 30%, từ 17,2% và 12,2% hiện tại.

Đón dòng tiền lớn

Từ việc nâng hạng của Kuwait, báo cáo của VNDirect nhận định, Việt Nam sẽ là thị trường được hưởng lợi nhất do tỷ trọng của Việt Nam hiện lớn thứ hai trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index (chỉ xếp sau Kuwait).

Một dòng vốn lớn đượ dự báo sẽ "đổ" vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Dựa trên dữ liệu ngày 14/9, VNDirect ước tính thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD từ các quỹ ETF hiện đang mô phỏng hai chỉ số thị trường cận biên của MSCI kể trên (giá định giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF duy trì ổn định ở mức hiện tại).

Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động. Dòng vốn ngoại này sẽ góp phần củng cố dòng tiền trên thị trường cũng như tạo tâm lý hứng khởi trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước.

Các cổ phiếu Việt Nam hiện đang có trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ được các quỹ ngoại theo dõi các chỉ số thị trường cận biên mua ròng sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đang chiếm tỷ trọng cao như VNM, VIC, VHM, MSN, VRE, HPG và VCB.

Đồng quan điểm với VNDirect, báo cáo mới đây của Dragon Capital đã đưa ra góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh kỳ vọng hưởng lợi từ việc nâng hạng của Kuwait, Dragon Capital còn cho rằng việc Bộ Tài chính dự thảo thông tư cho phép giao dịch T+0, bán khống, cho vay ký quỹ trên UPCoM là bước đệm tốt cho việc ViệtNam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong đó, nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0 nếu được áp dụng sẽ giúp thị trường cải thiện thanh khoản, dòng tiền đầu tư có cơ hội đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời sẽ giúp đẩy các tài sản tài chính sớm về giá trị thực, giúp thị trường thanh lọc lại các hoạt động đầu cơ.

Về hoạt động của doanh nghiệp, Dragon Capital cho rằng các doanh nghiệp đang bắt đầu hồi phục và thặng dư thương mại đang tăng lên. Trong giai đoạn thị trường toàn cầu hỗn loạn do Covid-19, Việt Nam đã chiếm được thị phần từ các quốc gia khác trong chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu.

Minh chứng trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam tăng 1,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 2,5% trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm 25%. Theo đó, thặng dư thương mại đạt gần 12 tỷ USD, trong khi cả năm 2019 chỉ đạt 5,5 tỷ USD.

Giải mã điểm nghẽn

Những cơ hội kể trên sẽ đạt được hiệu quả tối đa nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, hiện tại con đường nâng hạng của thị trường vẫn còn khá gập ghềnh khi liên tiếp không đạt được những điều kiện các tiêu chí định tính của các tổ chức xếp hạng.

Ngay như mới đây, FTSE vừa công bố kết quả phân hạng thị trường với việc tiếp tục giữ nguyên Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi phân hạng thị trường mới nổi hạng hai. Việt Nam được đưa vào danh sách này từ tháng 9/2018 nhưng đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ". Trước đó, trong báo cáo đánh giá xếp loại thị trường năm 2020 của MSCI Việt Nam không hề được xướng tên vào danh sách theo dõi nâng hạng.

Thực tế này khiến thị trường Việt Nam mất đi động lực hấp dẫn để khơi thông lượng lớn dòng vốn ngoại tiềm năng. Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước vẫn khá trì trệ, khiến diễn biến dòng tiền khối ngoại khó có thể khởi sắc trong thời gian tới.

Theo VNDirect, thị trường Việt Nam đang có hai điểm nghẽn chính cần được giải quyết để được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI và FTSE là giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) và đáp ứng tiêu chí về thanh toán bù trừ (đặc biệt là giải quyết được vấn đề yêu cầu phải có đủ tiền trước khi giao dịch).

Hiện, Việt Nam đã nỗi lực giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại bằng Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết điểm nghẽn về “Thanh toán bù trừ chứng khoán” bằng việc phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Đồng thời dự kiến thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party - CCP).

Trong kịch bản tích cực mà VNDirect đưa ra, VNDirect cho rằng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021.

Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.

Còn đối với FTSE, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.

Minh Khuê