CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dự án điện khí LNG tỷ đô ở Quảng Trị có chủ đầu tư

Invest Global 15:17 11/10/2021

Tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I gồm Tổ hợp các doanh nghiệp: Tập đoàn T&T Group, HANWHA, KOSPO và KOGAS.

Phối cảnh Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng. Ảnh: T&T Group.

Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I (1.500 MW) cho Tổ hợp các nhà đầu tư, bao gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS).

Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).

Trước đó, ngày 4/2/2021, tại văn bản số 154/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý bổ sung giai đoạn I của Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo quyết định chủ trương đầu tư, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án hợp tác đầu tư giữa một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tiềm lực kinh tế vững mạnh và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc uy tín hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại châu Á.

Cụ thể, T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp HANWHA, KOSPO, KOGAS sẽ đóng góp 60% vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.

 

Cũng theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 168/QĐ-KKT cấp ngày 6/10 của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị, Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn I) thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng; nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng-giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng-giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.

Tại Quảng Trị, T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển được biết đến nhiều qua các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Cảng hàng không Quảng Trị, Khu Dịch vụ - du lịch Gio Hải, huyện Gio Linh. Bên cạnh đó, tại địa phương này, T&T Group còn có kế hoạch đầu tư một số dự án như: Khu đô thị phía đông thành phố Đông Hà; Tổ hợp Dịch vụ - du lịch đô thị và sân Golf hồ Nghĩa Hy Cam Lộ…

Trước đó, vào tháng 4/2021, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại thành phố Đông Hà,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển cam kết sẽ cùng với tỉnh Quảng Trị đẩy nhanh các thủ tục để Dự án Cảng hàng không Quảng Trị khởi công trong tháng 9/2021. Tuy nhiên đến thời điểm này, vì nhiều lý do, Dự án Cảng hàng không Quảng Trị vẫn chưa được khởi công như dự kiến.

Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, ngoài Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại Quảng Trị, vào tháng 7/2021 vừa qua, T&T Group cũng đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư dự án Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), với tổng mức đầu tư dự kiến 3,55 tỷ USD.

Theo thông tin được công bố, Công ty CP Tập đoàn T&T được thành lập từ năm 1993 do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, còn được biết đến với cái tê "bầu Hiển". Ngoài ra, ông Hiển cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Đến nay, quy mô tổng tài sản của T&T Group đạt 35.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng với hơn 70 công ty con, công ty thành viên, công ty liên danh, liên kết trải rộng khắp cả nước và quốc tế.

T&T Group hoạt động trong 7 nhóm ngành, lĩnh vực chính gồm: tài chính và đầu tư; bất động sản; công thương; nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics; khoáng sản, năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục, thể thao.

Doanh nghiệp - Doanh nhân