CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Được Shark Hưng rót 1 triệu USD nhưng tính pháp lý không rõ ràng, startup lên Shark Tank bị người dùng liên tưởng đến phiên bản địa ốc Alibaba 4.0 của Nguyễn Thái Luyện

Invest Global 15:35 03/11/2019

Chưa kể sau 18 tháng triển khai, startup vẫn chưa có doanh thu.

Thương vụ khép lại tập 15 Shark Tank Việt Nam, cũng là tập cuối cùng của series này trong mùa 3, thuộc về Tuấn Việt – Quốc Hưng, hai nhà đồng sáng lập Revex, nền tảng trung gian kết nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản. Tuấn Việt – Quốc Hưng muốn kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần công ty.

Theo các đại diện Revex, người Việt Nam có nhu cầu đầu tư bất động sản nhưng rào cản quá lớn, phải mất khoảng 1 tỷ trở lên mới mua được nhà. Vì vậy Revex ra đời, giúp nhiều người có thể đầu tư chung vào một bất động sản, và khi đó chỉ 1 triệu đồng cũng có thể góp vốn được.

Revex sẽ quản lý và thực hiện các giao dịch hợp đồng đầu tư kinh doanh bất động sản dựa trên nền tảng smart contract với platform Blockchain. Quá trình đầu tư diễn ra sau khi dự án được chứng minh tính pháp lý và trước khi có sản phẩm mở bán.

Các nhà sáng lập cho biết Revex được thành lập từ năm 2018 gồm 7 cổ đông với vốn điều lệ 2,5 tỷ nhưng ở thời điểm ghi hình, startup đã "đốt" 10 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án mất 18 tháng để hoàn thiện nền tảng và chưa đưa ra thị trường nên chưa có doanh thu.

Nghi vấn về tính pháp lý của dự án

 

Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Bên cạnh vấn đề chứng minh tính khả thi của mô hình như bất kỳ startup nào, Revex còn vướng một vấn đề lớn hơn nằm ở mặt pháp lý.

Mô hình Revex thực tế là P2P platform, trong đó P2P là viết tắt của Peer-to-peer lending hay cho vay ngang hàng. Trong mô hình này, người có tiền (cá nhân muốn đầu tư bất động sản) và người vay tiền (chủ dự án) sẽ được kết nối thông qua nền tảng của Revex. Hợp đồng thực hiện, theo chia sẻ từ nhà sáng lập, có thể là hợp đồng điện tử hoặc hợp đồng trên giấy.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho P2P, nghĩa là khi tranh chấp xảy ra, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn chủ dự án đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Chưa kể các dự án bất động sản đều do phía Revex tự thẩm định, nếu chủ đầu tư phá sản, vỡ nợ, dùng tiền không đúng mục đích hoặc ôm tiền bỏ chạy (như đã từng xảy ra bên Trung Quốc), không rõ phía Revex đứng ra đền bù hay tự những nhà đầu tư cá nhân phải chịu.

Đánh giá ý tưởng hay nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro về mặt pháp lý, cũng như quá trình nghiên cứu sản phẩm quá dài nên lần lượt các Shark Việt, Thủy, Liên và Dzung Nguyễn đều từ chối đầu tư vào Revex. Trên fanpage chính thức của Shark Tank Việt Nam, nhiều người xem còn liên tưởng Revex đến mô hình Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện, nhân vật tự vẽ ra dự án không có thật để bán cho 6.700 khách hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

 
 
 
 

Tuy nhiên với thế mạnh về bất động sản, Shark Hưng đã ra quyết định khác với các "bạn cùng bể".

Phó chủ tịch HĐQT Cengroup cho biết: "Tôi nghĩ rủi ro pháp lý là do môi trường pháp lý có sự thay đổi, chứ không phải là pháp lý không cho phép mà bạn cố tình vi phạm".

Vì vậy, Shark Phạm Thanh Hưng quyết định cho startup cơ hội với lời đề nghị 1 triệu USD cho 25% cổ phần. Tuy nhiên trước mắt, Shark chỉ giải ngân tối đa 100.000 USD để startup hoàn thiện cho đến khi có dự án đầu tiên được giao dịch. Lúc ấy Shark mới rót vốn đầu tư tiếp.

Chia sẻ Revex cần nhiều tiền hơn để vận hành, hai nhà sáng lập đề nghị Shark Hưng nâng mức giải ngân lần đầu lên 300.000 USD. Startup cam kết trong vòng 3 tháng có thể đạt KPI như Shark mong muốn. Kết quả, cuộc ngã giá diễn ra thành công với cái gật đầu của nhà đầu tư.

Theo Nhật Anh

Trí thức trẻ

 

Tin tức khởi nghiệp