CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoãn kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ với hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuần trước đe dọa áp thuế 30% lên khối này kể từ ngày 1/8 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào.

Hôm Chủ nhật (13/7), bà von der Leyen cho biết việc áp thuế lên 21 tỷ EUR trị giá hàng xuất khẩu hàng năm của Mỹ sang EU, bao gồm thịt gà, xe mô-tô và quần áo, dự kiến có hiệu lực sau nửa đêm ngày 14/7, sẽ bị hoãn lại cho đến đầu tháng sau. Đây là gói mà EU dự kiến đáp trả thuế quan Mỹ áp đối với kim loại vào đầu năm nay.
"Mỹ đã gửi cho chúng ta thư thông báo với các biện pháp sẽ có hiệu lực trừ khi có giải pháp đàm phán. Do đó, chúng ta cũng sẽ gia hạn việc đình chỉ các biện pháp đối phó cho đến đầu tháng 8", von der Leyen nói với các nhà báo.
"Chúng tôi luôn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng chúng tôi muốn một giải pháp đàm phán với Mỹ. Lần này chúng tôi vẫn sẽ hành động như vậy", bà nói.
Trước đó 1 ngày, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 30% lên EU và Mexico, hai trong số những đối tác thương mại gần gũi nhất của Mỹ, kể từ ngày 1/8.
Trước căng thẳng thương mại với Mỹ, giới lãnh đạo châu Âu chưa thống nhất được liệu khối này nên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại khung tương tự như của Anh hay tiếp tục đàm phán với hy vọng đạt được kết quả tốt hơn.
Động thái mà bà von de Leyen thông báo thắp lên hy vọng rằng thông báo thuế mới nhất của ông Trump chưa dập tắt tiến trình đàm phán giữa Brussels và Washington.
Giới chức cấp cao EU nói với truyền thông rằng họ tin ông Trump sẽ không thực hiện lời đe dọa áp thuế 30% mới. Brussels nhận định mức thuế đó là một “chiêu” của Tổng thống Mỹ nhằm gia tăng áp lực lên khối trong thời gian còn lại hai bên đàm phán.
Các bộ trưởng thương mại EU dự kiến họp ngày 14/7 tại Brussels để thảo luận biện pháp đáp trả của khối đối với động thái mới nhất của chính quyền Trump.
Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil kêu gọi EU tiếp tục các cuộc đàm phán "nghiêm túc". "Không ai cần những lời đe dọa hay khiêu khích mới vào lúc này. Điều chúng ta cần là EU tiếp tục các cuộc đàm phán nghiêm túc và có mục tiêu với Mỹ", ông nói với tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức).
Ông Klingbeil cũng cảnh báo rằng nếu hai bên không thể đạt được một giải pháp qua đàm phán công bằng, thì EU sẽ phải có những biện pháp ứng phó quyết liệt để bảo vệ việc làm và các công ty ở châu Âu.
Ngoài các mức thuế trả đũa ban đầu, EC đang tham vấn về một gói thuế quan đối với 95 tỷ EUR hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm máy bay, rượu và thực phẩm. Gói này cần sự phê duyệt của các quốc gia thành viên. Theo hai nhà ngoại giao, con số này đã được giảm xuống còn 72 tỷ EUR sau khi các chính phủ vận động hành lang để loại bỏ một số sản phẩm nhạy cảm khỏi danh sách mục tiêu.
Trong khi đó, Mỹ đang áp thuế đối với khoảng 380 tỷ EUR hàng nhập khẩu hàng năm từ EU.
Bà von der Leyen cho biết EC sẽ tiếp tục chuẩn bị gói các biện pháp đối phó thứ hai, nhưng bà cũng nói rằng khối này sẽ không áp công cụ chống cưỡng chế, vốn cho phép EU áp dụng các biện pháp chống lại hàng xuất khẩu dịch vụ của Mỹ, ví dụ như ngăn chặn các công ty tham gia các hợp đồng mua sắm công.
Công cụ này "được tạo ra cho những tình huống đặc biệt, còn chúng ta vẫn chưa ở trong tình huống đó", người đứng đầu EC cho biết, đồng thời nói thêm rằng "thời điểm này là để đàm phán".
Người đứng đầu EC đưa ra những bình luận đó khi bà công bố một "thỏa thuận chính trị" về một hiệp định thương mại tự do với Indonesia sau 9 năm đàm phán.
Thỏa thuận này, dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 9, sẽ cần được đa số các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua. Các quan chức tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ được thông qua vì Indonesia không xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm như thịt bò.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương giữa EU và Indonesia đạt 27,3 tỷ EUR, trong đó xuất khẩu của EU đạt 9,7 tỷ EUR và nhập khẩu của EU đạt 17,5 tỷ EUR.
Bà von der Leyen cho biết việc đa dạng hóa các hiệp định thương mại là một phần trọng tâm trong chiến lược của EU nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.
EU chưa thống nhất về quan điểmTổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 12/7 thúc giục EC – cơ quan đại diện cho các nước EU để đàm phán – cần phải “kiên quyết bảo vệ lợi ích của châu Âu”.
Một số nhóm doanh nghiệp và chính trị gia đã chỉ trích cách tiếp cận của bà von der Leyen.

Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu, người từng nhiệt tình ủng hộ ông Trump tái đắc cử, đã chỉ trích Brussels vì đã xử lý đàm phán với Mỹ không chuẩn.
"Ông Trump không có lý do gì để tấn công đất nước chúng ta, nhưng một lần nữa chúng ta đang phải trả giá cho một châu Âu do Đức dẫn dắt", đảng Liên đoàn nói trong một tuyên bố.
Coldiretti, hiệp hội các doanh nghiệp nông nghiệp có ảnh hưởng của Ý, cũng đã chỉ trích cách Brussels xử lý các cuộc đàm phán, cảnh báo rằng mức thuế quan 30% mà ông Trump đe dọa sẽ là một "đòn chí mạng" đối với xuất khẩu thực phẩm của Ý và gây thiệt hại trực tiếp lên đến 2,3 tỷ EUR cho các nhà sản xuất Ý.
"Nếu mức thuế quan được áp dụng vào ngày 1/8, chúng ta không thể không ghi nhận sự thất bại hoàn toàn của chính sách của bà von der Leyen", ông Ettore Prandini, Chủ tịch Coldiretti, tuyên bố.