CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

GDP Nhật Bản giảm kỷ lục từ năm 1980 đến nay vì Covid-19

Invest Global 09:52 19/08/2020

(TBKTSG Online) – Hôm 17-8, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quí 2, GDP nước này suy giảm 7,8% so với quí trước và giảm đến 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ các thống kê hiện đại về GDP Nhật Bản bắt đầu được thực hiện kể năm 1980.

Tác động tàn phá của đại dịch Covid-19 đối với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khiến kinh tế Nhật Bản trải qua mức suy giảm kỷ lục trong quí 2-2020. GDP thực (sau khi đã điều chỉnh lạm phát) của nước này rớt xuống mức thấp hơn quí cuối của năm 2012, thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền và bắt đầu các chính sách kích thích tăng trưởng hay còn gọi là Abenomics.

Sức chi tiêu yếu của người dân trong thời kỳ dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến GDP của Nhật Bản suy giảm kỷ lục. Ảnh: Reuters

GDP thực rơi về mức thấp nhất kể từ 2011

Quy mô GDP thực của Nhật Bản hiện nay của Nhật Bản giảm về chỉ còn 485.000 tỉ yen, thấp nhất kể thảm họa động đất, sóng thần vào năm 2011. Vào tháng 9 năm ngoái, GDP thực của Nhật Bản đạt 540.000 tỉ yen.

Cũng như các nước khác, đại dịch Covid-19,  tàn phá nặng nề hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, là tác nhân khiến GDP Nhật Bản tổn thất nặng nề trong quí vừa qua. “Suy giảm tiêu dùng và xuất khẩu là nguyên dân chính dẫn đến suy giảm lớn ở GDP”, Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng ở Viện Nghiên cứu Norinchukin ở Tokyo, nói

Mức suy giảm 7,8% của GDP Nhật Bản trong quí vừa qua vẫn tốt hơn một chút so với Mỹ và Đức. Nhưng không giống như Mỹ, Nhật Bản bước vào năm 2020 với một nền kinh tế bắt đầu suy giảm, chủ yếu do nước này tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào tháng 10-2019.

“Nếu chỉ nhìn vào dữ liệu GDP quí 2, Nhật Bản dường như tốt hơn Mỹ  và Đức. Nhưng nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu suy giảm trong quí cuối năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 ập đến. Nếu tính mức độ suy giảm từ đỉnh, Nhật Bản không khá hơn các nước phương Tây khác”, Muguruma nhận xét.

Naomi Muguruma, nhà kinh tế ở  Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, dự báo phải đến cuối năm 2022 hoặc 2023, kinh tế Nhật Bản mới khôi phục trở về mức giữa năm 2019.

“Dù suy giảm không nghiêm trọng như ở các nền kinh tế phát triển khác, dữ liệu GDP trong quí 2-2020 của Nhật Bản đánh dấu quí tăng trưởng âm thứ ba liên tiếp, cho thấy Nhật Bản rất dễ tổn thương trước các cú sốc suy giảm nhu cầu” , các nhà kinh tế của Công ty tư vấn Oxford Economics, nhận định trong một báo cáo gửi cho khách hàng.

Yếu tố tích cực duy nhất đối với Nhật Bản là các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang phục hồi nhanh hơn so với Mỹ và châu Âu. Đối với những nước láng giềng như Nhật Bản, điều này có nghĩa là xuất khẩu có thể tăng nhanh trở lại.

Ngay trong tháng 6, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã quay trở lại ngang mức cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với thiết bị viễn thông đã đóng góp lớn cho xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong tháng trước.

GDP thực (đường xanh đậm) và GDP danh nghĩa của Nhật bản đều suy giảm mạnh trong quí 2-2020. Ảnh: Reuters

Sức tiêu dùng trong nước suy giảm

Tiêu dùng tư nhân trong nước, chủ yếu là tiêu dùng của hộ gia đình, vốn đóng góp đến 50% GDP Nhật Bản, đang u ám hơn. Trong quí 2, tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản giảm 8,2% so với quí trước, được xem là ‘thủ phạm chính’ khiến dữ liệu GDP quí 2 của Nhật Bản xấu hơn dự báo.

Tiêu dùng nội địa suy giảm do các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, buộc người dân phải ở nhà nhiều hơn, khiến các nhà hàng và khu mua sắm gần như vắng bóng khách trong tháng 4.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 18,5% trong quí vừa qua với mảng xuất khẩu ô tô bị tác động mạnh nhất. Doanh số ô tô toàn cầu suy giảm gây tổn thương cho các hãng xe Nhật Bản như Mazda, Nissan.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tất cả các biện pháp chính sách có thể để đưa kinh tế, đã chạm đáy trong tháng 4 và tháng 5, trở lại lộ trình tăng trưởng nhờ gia tăng tiêu dùng nội địa”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, nói.

Để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã triển khai các gói kích thích trị giá 2.200 tỉ đô la Mỹ, gần bằng một nửa quy mô nền kinh tế Nhật Bản hiện nay.

Điều này buộc Nhật Bản phải tăng chi tiêu ngân sách và làm phình to khối nợ công, vốn đang nằm ở hàng cao nhất trong số những nền kinh tế phát triển.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã trợ cấp tiền mặt trực tiếp gần 1.000 đô la Mỹ cho mỗi người dân vào đầu mùa hè này để kích thích tiêu dùng. Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp để kiểm soát dịch Covid-19 hồi tháng 5, hầu hết các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã nối lại hoạt động kinh doanh và các nhà kinh tế dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong quí 3 này.

Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng ở Viện Nghiên cứu Norinchukin, cho rằng phục hồi tăng trưởng ở Nhật Bản và mọi nơi trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc sẽ rất chậm chạp. Nhà kinh tế Toru Suehiro ở Công ty chứng khoán Mizuho Securities nhận định tiêu dùng nội địa của Nhật Bản sẽ suy yếu trở lại vào quí 4, một phần là do các công ty cắt giảm thưởng vào cuối năm.

Sự tái trỗi dậy của các ca nhiểm virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản, với hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong hầu hết những ngày gần đây, cũng đang kìm hãm sức chi tiêu của người dân

Yuriko Koike, Thị trưởng TP. Tokyo, đã yêu cầu người dân hạn chế tổ chức tiệc tùng hay đi du lịch trong mùa hè này. Nhiều người dân đã nghe theo lời khuyên của bà, khiến các chuyến tàu và máy bay, thường đặc ken khách, trở nên vắng hoe vào tuần trước.

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo hàng loạt biện pháp cứu trợ kinh tế trong hai gói kích thích kinh tế hồi đầu năm nay sẽ hết hạn vào tháng 9, gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản.

Cho đến nay, các quan chức chính phủ Nhật Bản vẫn chưa công khai thảo luận bất cứ kế hoạch nào về ngân sách bổ sung để đẩy mạnh chi tiêu. Hơn nữa, các đồng minh của ông Abe cũng đang phản đối triệu tập họp Quốc hội dù các đang đối lập hối thúc.

“Việc tăng ngân sách bổ sung, một khi quỹ dự trữ đã tiêu hết, sẽ phụ thuộc vào tình hình lây lan của dịch Covid-19 và các thảm họa thiên nhiên”, Harumi Taguchi, nhà kinh tế của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, nhận định.

Quốc tế