CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, năm 2024 nhóm thép với vai trò là nhóm ngành kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, đạt doanh thu hợp nhất 131.397 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế nhóm thép đạt 10.298 tỷ đồng, tăng 64% so với 2023. Mảng thép đóng góp lần lượt 93% và 86% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất và là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kết quả kinh doanh năm 2024 của Hòa Phát so với năm trước.
Sản lượng thép 2024 tăng so với 2023 chủ yếu đến từ mảng thép dài
Năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%. Trong khi mặt hàng thép cuộn cán nóng không có nhiều khởi sắc, nguyên nhân chính giải thích cho tăng trưởng sản lượng của Hòa Phát năm 2024 đến từ mảng thép dài, đặc biệt là ở thị trường xuất khẩu.
Thị trường thép dài Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận một số cải thiện so với năm 2023, chủ yếu đến từ các dự án đầu tư công. Từ giữa năm, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy triển khai, làm tăng nhu cầu thép dài và thép kết cấu trong nước.
Tuy nhiên, chưa có sự thay đổi tích cực rõ ràng đến từ cầu thép dân dụng và các dự án phát triển bất động sản. Tổng sản lượng tiêu thụ thép thanh và thép cuộn (rebar và wirerod) thị trường Việt Nam năm 2024 đạt 11,92 triệu tần, tăng 9,3% so với năm 2023. Tổng sản lượng bán hai sản phâm trên của Hòa Phát đạt 4,48 triệu tấn, tăng 695 nghìn tần, tương ứng tăng 18% so với 2023 (3,79 triệu tấn), cao nhất vào quý 2/2024 do đà tăng mang tính mùa vụ sau Tết nguyên đán, giảm và giữ ổn định trong quý 3 và quý 4/2024. Thị trường nội địa vốn là thị trường chủ lực mục tiêu của Tập đoàn đối với mảng hàng thép dài, tuy nhiên năm nay tiêu thụ trong nước chi tăng 11%, trong khi xuất khẩu tăng 47%.
Mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) gặp khó khăn hơn do đối mặt với áp lực cạnh tranh từ lượng thép nhập khẩu giá thấp ồ ạt tràn vào thị trường. Trung Quốc đóng vai trò là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới với công suất chiếm hơn 55% tổng năng lực sản xuất thép toàn cầu. Sự đình trệ trong nhu cầu thép tại Trung Quốc dẫn đến tình trạng dư thừa sản lượng và gián đoạn thị trường thép toàn cầu khi nước này tìm cách bán tháo lượng hàng tồn giá rẻ của mình sang các nước khác, bao gồm Việt Nam.
Trong khi lượng HRC nhập khẩu trong năm 2024 đạt hơn 12 triệu tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2023, sản lượng tiêu thụ hàng sản xuất trong nước của Việt Nam giảm nhẹ 3% từ 6,81 triệu tấn trong 2023 xuống còn 6,58 triệu tấn trong năm 2024. Trong đó, sản lượng HRC Hòa Phát đạt 2,93 triệu tấn, chi nhinh hơn gần 5% so với 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng của mặt hàng thép xây dựng.
Giá thép và nguyên vật liệu cùng giảm
Cầu yếu và việc xả tồn của thép Trung Quốc cũng là nguyên nhân đẩy giá bán thép thế giới nói chung xuống thấp. Tại Việt Nam, giá thép cuộn (wirerod) đã trải qua 6 nhịp tăng và 9 nhịp giảm với tổng mức giảm trong cả năm 2024 là 3%. Thép thanh văn (rebar) đã qua 4 nhịp tăng và 8 nhịp giảm giá với tổng mức giảm trong cả năm 2024 là 4%.
Giá thép HRC đã giảm sâu trong năm 2023, dù có một vài nhịp tăng nhẹ trong quý 1/2024 nhưng đã rớt xuống và vẫn đang tiếp tục giữ đà giảm trong suốt năm 2024 và kéo dài đến hiện tại (tháng 1/2025).
Về nguyên vật liệu đầu vào chính, sự suy giảm trong sản lượng thép thô tại Trung Quốc cũng đã tác động tới giá quặng sắt và than. Giá quặng 62% Fe và 65% Fe cuối năm 2024 đã giảm lần lượt 20% và 23% so với đầu năm. Do không gặp cản trở về thời tiết như các năm trước, nguồn cung than mỡ luyện coke được duy trì dồi dào và ổn định trong năm 2024 tại Úc - thủ phủ thế giới về xuất khẩu than luyện kim, cùng với việc Indonesia cũng tăng cường xuất khẩu than để tận dụng các hiệp định thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ và chi phí vận tải hàng hải giảm đáng kể, mặt hàng than luyện coke được cung cấp ra thị trường với chi phí thấp hơn so với năm trước.
Giá than mỡ luyện coke (HCC FOB Úc) T12-2024 giảm sâu 40% so với tháng 1/2024. Với chính sách quản trị tồn kho chặt chẽ, mức giảm của giá nguyên vật liệu trên thị trường được nhanh chóng hấp thụ vào giá thành sản xuất của Hòa Phát, giúp duy trì sự tương quan giữa giá bán và giá thành và giữ cho biên lợi nhuận của Tập đoàn trong năm 2024 được ổn định với biên lợi nhuận gộp ở mức 13% và biên lợi nhuận ròng ở mức 9%, tốt hơn so với mức 11% và 6% của năm 2023.
Dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2
Trong năm 2024, Hòa Phát đã chi hơn 35 nghìn tỷ đồng chưa bao gồm thuế cho hoạt động đầu tư của toàn Tập đoàn, trong đó trọng số lớn nhất là dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Vốn vay cho dự án cũng được đưa vào mạnh hơn trong năm nay theo đúng tiến độ với tổng giải ngân là hơn 21 nghìn tỷ, sau khi bù trừ với phần trả nợ vay trung dài hạn của dự án Khu liên hợp Dung Quất 1, tổng dư nợ vay dài hạn của Tập đoàn (phần chưa đến hạn trả) được nâng từ 10,4 nghìn tỷ cuối năm 2023 lên 27 nghìn tỷ vào cuối quý 4/2024.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được triển khai đúng tiến độ đề ra. Đến hết năm 2024, Hòa Phát cùng các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị đối với là cao đầu tiên và dây chuyền cán. Phân kỳ 1 sẽ đi vào vận hành năm 2025. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026. Sản phẩm chính của dự án là thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu, gia công, kết cấu... Sau khi Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ được nâng lên hơm14 triệu tấn mỗi năm.
Với năng lực hiện tại của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 1 cùng các nhà máy sản xuất sản phẩm thép hạ nguồn, Hòa Phát đã và đang cung cấp hàng trăm nghìn tấn mỗi năm các sản phẩm thép chất lượng cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như thép làm tanh lốp, bố lốp ô tô, thép dây hàn, lõi que hàn, đinh ốc vít, cáp thang máy, thép làm cầu trục, thép dự ứng lực cường độ cao.....Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, công suất sản xuất các loại sản phẩm thép này của Tập đoàn càng được tăng lên, đồng thời mở rộng sang các mác thép đặc biệt khác, phù hợp với nhiều loại nhu cầu, từ đó mở ra cơ hội thâm nhập vào các thị trường yêu cầu các sản phẩm đặc biệt, đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao.