CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Gỡ khó quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp

Invest Global 08:47 19/01/2022

Việc Tp.HCM đang eo hẹp quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp cũng là vấn đề mà một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai có thể vấp phải nếu như thiếu các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong vấn đề này.

Thông tin mới đưa ra từ Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Tp.HCM (Hepza) về việc quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp của Tp.HCM sắp hết (chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê, khai thác được) đang gợi mở nhiều liên quan đến việc phát triển quỹ đất dành cho các khu công nghiệp (KCN).

Cầu tăng, cung hạn chế

Trước tình hình như vậy, việc ưu tiên tìm kiếm phát triển quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp là điều hết sức cần thiết trong lúc này. Đặc biệt là cần khai thác, tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý với những quỹ đất sạch mà thành phố có sẵn. 

HINH-5642-1642503151.jpg

Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về quỹ đất để bố trí phát triển khu công nghiệp ở một số địa phương trọng điểm.

Nhưng nếu như Tp.HCM eo hẹp quỹ đất thì nên tập trung vào phát triển các KCN công nghệ cao, công nghiệp sạch và cần có tầm nhìn quy hoạch các KCN về vùng ngoại ô. 

Ngoài ra, Tp.HCM nên định hướng thành một thành phố hậu công nghiệp và tập trung vào kinh tế dịch vụ (trong đó chú trọng cho đề án trung tâm tài chính quốc tế, thương mại và logistics), còn KCN thì cứ để các tỉnh khác lo, vì quỹ đất của Tp.HCM không nhiều trong khi dân số lại rất đông.

Trong khi đó, có thể tham khảo thêm số liệu mới đây của Công ty Cushman & Wakefield khi đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, đó là tổng nguồn cung đất công nghiệp tại Tp.HCM vẫn ổn định ở mức xấp xỉ 2.500ha.

Không chỉ vậy, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng. Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại Tp.HCM đạt 4.308.000 VND/m2/kỳ, tương đương 186,0 USD/m2/kỳ. Ví dụ vào quý 4/2021 đã tăng 1% so với quý trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng.

Qua phân tích của Cushman & Wakefield, giá thuê đất công nghiệp ở Tp.HCM vẫn xếp hạng cao nhất trên toàn quốc, cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gần gấp đôi mức giá tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong câu chuyện Tp.HCM đang thu hẹp quỹ đất cho sản xuất công nghiệp, một số ý kiến cho rằng các địa phương lân cận cần tận dụng cơ hội tốt này. Nhất là những địa phương có lợi thế về quỹ đất sạch, về thuận tiện giao thông, hệ thống cảng cũng như nguồn lao động dồi dào và chính sách thu hút đầu tư cởi mở.

Điều này có thể nhìn thấy từ tỉnh Long An - một “điểm sáng” mới trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN. Như mới đây, giữa tháng 1/2022, Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát với tổng vốn hơn 136 triệu USD (tương đương hơn 3.109 tỷ đồng) vào KCN Phú An Thạnh, huyện Bến Lức. 

Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư “khủng” mà Long An đón nhận vào đầu năm 2022. Còn hồi năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng chỉ riêng các KCN Long An đã thu hút được hơn 490 triệu USD vốn FDI (tăng 26 triệu USD so với năm 2020) và hơn 11.722 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng hơn 6.700 tỷ đồng).

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Còn ở hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Đồng Nai, dù diện tích đất cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp đã và đang được lấp đầy, nhưng cũng đang phát triển nhanh quỹ đất KCN nhằm tránh xảy ra tình trạng khó khăn về đất công nghiệp như tại Tp.HCM.

Bình Dương đã có 29 KCN, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với 17.000ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt trên 90%, 12 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Để thúc đẩy thu hút đầu tư trong tương lai, tỉnh này được Chính phủ đồng ý cho thành lập các khu, cụm công nghiệp mới. Thế nhưng, vẫn đang có những vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…đối với các khu, cụm công nghiệp đang chuẩn bị được thành lập.

Với Đồng Nai, hiện tại các KCN đã lấp đầy trên 84% đất cho thuê. Tỉnh vẫn còn quỹ đất để tiếp tục mở thêm các KCN mới, với khoảng 20.000ha đất dành cho phát triển công nghiệp.

Điều đáng nói, quỹ đất để bố trí phát triển KCN ở cả hai địa phương trên hiện chủ yếu từ đất cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý. Một số dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN tại Bình Dương và Đồng Nai đang xin chủ trương chấp thuận đầu tư gặp vướng mắc trong vấn đề xác định đất trồng cao su xử lý như thế nào.

Các cơ quan có thẩm quyền tại hai tỉnh này còn lúng túng trước vấn đề đất trồng cao su khi làm KCN thì có thuộc trường hợp phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công/đấu giá quyền sử dụng đất/đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hay không? Điều đó dẫn đến việc làm chậm quá trình hình thành, phát triển KCN.

Giới chuyên gia cho rằng giai đoạn 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Cho nên việc phát triển quỹ đất sản xuất công nghiệp là rất cần thiết, nhất là ở những địa phương có các KCN đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao.

Hơn thế nữa, bên cạnh việc tạo ra quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư đến thuê đất như hiện nay, các KCN trong nước cũng cần chuyển đổi theo hướng chuyên sâu, đa chức năng nhằm nâng sức cạnh tranh cũng như thích ứng tốt với đại dịch Covid-19. 

Điều này có thể tham khảo từ một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khi thời gian qua đã hình thành các KCN chuyên ngành và KCN tích hợp cả nhà ở, bệnh viện, trường học… Nếu như Việt Nam cũng có các KCN chuyên sâu, đa chức năng, sẽ là điều kiện lý tưởng để thu hút, giữ chân nhà đầu tư.

Thế Vinh

Khung pháp lý