CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Google sắp bịt lỗ hổng thuế 'double Irish'

Invest Global 10:22 03/01/2020

Google đã bắt tay vào công cuộc cải tổ phương thức kê khai và nộp thuế của mình trên toàn cầu và gom tất cả tài sản sở hữu trí tuệ trở về Mỹ, báo hiệu triển vọng về “ngày tàn” của một lỗ hổng thuế đã “tiết kiệm” cho các công ty Mỹ hàng trăm tỷ USD.

Google cho biết mục tiêu của thay đổi này là đơn giản hóa quy trình tính và kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với định hướng của OECD trong việc hạn chế tình trạng trốn thuế trên quy mô quốc tế, cũng như tuân thủ pháp luật hiện hành về thuế của Mỹ và Ai-len.

Hạn chót 2020

Lâu nay, trên thế giới vẫn tồn tại một lỗ hổng thuế được gọi là “double Irish” mà nhiều công ty Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và dược phẩm, thường tận dụng để chuyển lợi nhuận ở nước ngoài qua Ai-len và tới các thiên đường thuế như Bermuda mà không phải đóng một đồng thuế nào ở Mỹ.

Mô hình này giúp các công ty Mỹ “bảo tồn” được hơn 1.000 tỷ USD ở nước ngoài tính đến cuối năm 2017, thời điểm Tổng thống Donald Trump thực hiện một số cải cách về thuế theo hướng thay đổi chính sách áp dụng cho lợi nhuận của doanh nghiệp ở nước ngoài.

Ai-len cũng chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế cách đây 5 năm và đã phải đồng ý thay đổi cơ chế “quá thông thoáng” của mình. Những doanh nghiệp đang sử dụng cách thức này được “hưởng nốt” đến cuối năm 2020.

Hầu hết các công ty đều chủ động làm sớm hơn thời hạn đó bằng việc chuyển sang các phương án thay thế có lợi ích tương đương, theo ông Ed Kleinbard - giáo sư chuyên ngành pháp luật thuế tại Đại học Nam California, Los Angeles. Động thái của Google thậm chí còn “không bình thường” ở chỗ nó cho thấy “gã khổng lồ” công nghệ “lề mề” hơn các công ty khác, ông nói thêm.

Vì không có quy định về công bố thông tin, nên ít ai biết được các công ty đã điều chỉnh như thế nào, ông Chris Sanchirico, giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, nhận định. “Dựa trên những gì chúng ta có thể thấy trong quá khứ, chẳng có lý do gì để tin rằng việc lập kế hoạch (của các công ty đa quốc gia) chưa phát triển vượt xa mô hình “double Irish” kinh điển”, giáo sư Sanchirico nói.

Báo hiệu “ngày tàn” của “double Irish” - một lỗ hổng thuế đã “tiết kiệm” cho các công ty Mỹ hàng trăm tỷ USD

Kiểu gì cũng “lách” được

Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm ngoái, một phương án đang được nhiều công ty áp dụng là dồn hết tài sản trí tuệ của mình vào các công ty con mới thành lập ở Ai-len.

Cụ thể, các công ty có thể phân bổ tài sản sở hữu trí tuệ (ví dụ như bằng sáng chế, nhãn hiệu…) cho các công ty con riêng biệt đặt trụ sở ở Ai-len nhưng không được xem là pháp nhân cư trú theo pháp luật thuế (vì được quản lý và kiểm soát từ nước ngoài). Các tài sản sở hữu trí tuệ đó cuối cùng có thể được chuyển qua các thiên đường thuế như Bermuda.

Google cho biết bằng cách chuyển các tài sản sở hữu trí tuệ của mình từ Bermuda về Mỹ, công ty đang tuân thủ những thay đổi mới trong luật thuế của Mỹ nhằm hạn chế khả năng các công ty giảm nghĩa vụ thuế phải nộp bằng cách “bảo quản” tài sản vô hình ở nước ngoài.

Cách đây 2 năm, đề xuất cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Trump được thông qua, theo đó các công ty bị áp thuế mới đối với lợi nhuận thu được từ các tài sản trí tuệ nắm giữ ở nước ngoài. Chính sách này khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đưa tài sản trí tuệ quay trở lại Mỹ.

Tuy nhiên, trong quá khứ vẫn có nhiều công ty Mỹ đã tận dụng các chính sách thuế có lợi của Ai-len để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và không mất một đồng thuế nào cho nước, ngay cả khi tài sản trí tuệ của họ vẫn ở Mỹ.

Apple là một ví dụ điển hình. Công ty này giữ tài sản trí tuệ ở Mỹ, nhưng đã sử dụng một thỏa thuận chia sẻ chi phí nghiên cứu và phát triển với một công ty con ở Ai-len để điều chuyển phần lớn lợi nhuận quốc tế cho công ty con đó. Bởi vì công ty con được quản lý từ trụ sở Apple tại Cupertino, toàn bộ phần lợi nhuận đó chẳng chịu thuế ở Ai-len mà cũng không bị đánh thuế ở Mỹ.

Hải Châu

Quốc tế