CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Xây dựng) - Việc phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là một định hướng quan trọng của tỉnh Hà Giang. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển trên 50 làng VHDLCĐ…
Vẻ đẹp của thôn Tha được giới thiệu trên các mã QR quảng bá du lịch mà du khách ở thể thấy ở khắp mọi nơi trong thôn.Cuốn hút làng VHDLCĐ thôn Tha
Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang từ lâu được biết đến là một làng VHDLCĐ thu hút đông đảo du khách trong và người nước đến thăm, lưu trú và trải nghiệm.
Đây là bản làng của đồng bào dân tộc Tày, với khoảng 150 hộ dân, còn giữ được cấu trúc bản làng truyền thống khá nguyên sơ, với những căn nhà sàn gỗ, lợp lá cọ mộc mạc, nằm sát bên nhau.
Đến thôn Tha, du khách không chỉ được trải nghiệm lưu trú trong những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức món ăn bình dị, quen thuộc của người Tày như cá suối chiên, thịt lợn nướng, xôi ngũ sắc, lẩu gà đen…, mà còn được thảnh thơi dạo quanh làng nằm êm đềm giữa những cánh khoảng vườn xanh, những ruộng lúa, hít hà không khí trong lành và ngắm những cảnh quan thiên nhiên đẹp, thơ mộng như ruộng bậc thang, thác Lũng Tiên, suối Nặm Tha… Đặc biệt nhất, du khách sẽ cảm nhận được sự chân chất của đồng bào người Tày khi làm du lịch.
Homestay của gia đình ông Cây là một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách mỗi khi đến với thôn Tha.Ông Nguyễn Văn Cậy, chủ của Cậy Homestay, một trong những hộ đầu tiên, có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc kinh doanh homestay ở thôn Tha cho biết, gia đình ông làm du lịch hơn chục năm. Lúc đầu, gia đình đón khách lưu trú trên chính ngôi nhà sàn lâu đời đang ở, sức chứa lên đến trên 20 người cùng một lúc…
Sau đó, khi có điều kiện, gia đình đầu tư thêm các phòng nghỉ bungalow bằng gỗ bên hông nhà sàn để có thêm không gian đón khách. Nhà sàn trở thành phòng cộng đồng tiếp đón các đoàn khách đông, thích trải nghiệm sinh hoạt tập thể.
Ông Cậy kể, trước khi làm thêm phòng phòng nghỉ bungalow, ông đi học hỏi nhiều nơi và quyết định làm phòng nghỉ bungalow khép kín bằng vật liệu tự nhiên là gỗ, tre, nứa, đơn giản, mộc mạc, kiêm nhường, nhưng đầy đủ tiện nghi. Nhờ đó, các phòng nghỉ bungalow dựng mới không phá mất cảnh quan hiền hòa, bình dị vốn có của thôn Tha, thậm chí còn tôn thêm vẻ cuốn hút của nhà sàn truyền thống với mái cọ lợp dày, vốn được khách nước ngoài vô cùng yêu thích. Cuộc sống gia đình khấm khá lên từ lúc làm homestay…
Nhà sàn của gia đình ông Cậy rất sạch sẽ, thoáng đãng, có sức chứa nhiều du khách.Phát triển làng VHDLCĐ gắn với xây dựng NTM
Đến thôn Tha, điều khá thú vị là từ trong nhà dân, ra đến các không gian công cộng, du khách dễ dàng nhận thấy các mã QR dẫn link giới thiệu về thôn Tha. Điều này cho thấy, việc bảo tồn và phát triển làng VHDLCĐ được các hộ dân và chính quyền địa phương chú trọng.
Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ Đặng Thế Phong cho biết: Trong xây dựng NTM, Phương Độ luôn chú trọng việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, từ đó phát triển du lịch cộng đồng.
Những năm qua, để xã Phương Độ trở thành trung tâm kết nối các "vệ tinh" du lịch của thành phố Hà Giang cũng như các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn nhà truyền thống, khôi phục làng nghề, lễ hội truyền thống gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa - sinh thái được xác định là vấn đề mấu chốt.
Cấp ủy, chính quyền xã Phương Độ tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thôn Tha phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng và nâng cao thu nhập cho các hộ.
Theo ông Đặng Thế Phong, đến nay, trong thôn Tha có 8 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ homestay. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, lượng khách du lịch đến thôn Tha tham quan, trải nghiệm không ngừng tăng qua các năm. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm thôn Tha đón trên 2.000 lượt khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài đến từ các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ.
Đặc biệt, trung tuần tháng 5/2024, thôn Tha được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
“Thành quả này là minh chứng cho thấy sự nỗ lực, đồng tình của người dân trong triển khai xây dựng làng VHDLCĐ, đồng thời định vị thương hiệu của du lịch của thôn Tha trên bản đồ du lịch của tỉnh Hà Giang” – ông Phong nhận định.
Cũng theo ông Phong, việc xây dựng thôn Tha trở thành làng VHDLCĐ không chỉ giúp đời sống của bà con nhân dân có đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển mà còn giúp địa phương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn…
Những bungalow xây mới được gia đình ông Cậy chú trọng sử dụng vật liệu địa phương thân thiện, nhằm hạn chế phá vỡ đi không gian truyền thống của thôn Tha.Song song với xây dựng, phát triển làng VHDLCĐ, thôn Tha đồng thời đẩy mạnh thực hiện phong trào chung sức xây dựng NTM. Để thực hiện hiệu quả phong trào này, Chi bộ thôn thực hiện tốt công tác huy vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng viên, phát huy tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thôn tập trung vận động nhân dân thường xuyên chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường làng ngõ xóm, hiến đất làm đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa; tăng cường thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Đến nay, 100% đường trục thôn, nhóm hộ của thôn Tha đã được bê tông hóa, thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các thiết chế văn hóa, hệ thống chiếu sáng đường làng được chính quyền quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm…
Phát triển bền vững với loại hình làng VHDLCĐ
Thôn Tha chỉ là một trong hơn 50 làng VHDLCĐ tại Hà Giang đã đi vào hoạt động, khai thác khá hiệu quả, thu hút đông đảo du khách, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân, phát huy tốt giá trị tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Hà Giang chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết: Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang đã ban hành các nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; lồng ghép với các cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh và huy động từ các nguồn đầu tư thuộc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu, đề án, dự án của các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức phi Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Hà Giang tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển du lịch nông thôn của các làng đã đăng ký theo chương trình xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm…
UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025…
Thời gian tới, Hà Giang sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025; Ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa làm cơ sở để phát triển du lịch; Xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao…
Dưới đây là một số hình ảnh cuốn hút ở thôn Tha:
Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống trong thôn Tha vẫn được giữ nguyên vẹn.
Quần thể nhà truyền thống của người Tày ở thôn Tha.
Các mã QR giới thiệu về Làng văn hóa thôn Tha được thấy ở khắp nơi.
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tha là một không gian mở, hấp dẫn du khách.
Cuộc sống thường nhật ở thôn Tha hấp dẫn du khách.
Một số ngôi nhà đang được sửa chữa, xây mới bằng vật liệu địa phương.
Những dự án hạ tầng mới đang được chính quyền tiếp tục đầu tư.