CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Giai đoạn 2019-2024, TP. Hà Nội đã quan tâm dành nguồn lực lớn, bố trí trên 5.000 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương, cùng với các nguồn vốn huy động khác để hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dành hơn 5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc, thiểu số trên địa bàn
Ngày 5/11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV năm 2024 chính thức khai mạc. Với chủ đề "Cộng đồng các dân tộc TP. Hà Nội đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập, phát triển", đại hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của thành phố trong việc chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại đại hội.Tại đại hội, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đã nhấn mạnh thành công nổi bật trong việc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ III năm 2019. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi duy trì bình quân hàng năm trên 10%.
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 107.847 người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, đến nay đã tăng hơn 2 lần so với năm 2018. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số giảm nhanh, dự kiến đến năm 2025 TP. Hà Nội sẽ không còn hộ nghèo. Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả...
Đạt kết quả này do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và TP. Hà Nội, nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào dân tộc.
Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định, trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ III giai đoạn 2019-2024, Đảng bộ, chính quyền TP. Hà Nội đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, triển khai toàn diện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2024, thành phố đã quan tâm dành nguồn lực lớn, bố trí trên 5.000 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương, cùng với các nguồn vốn huy động khác để hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có trên 265 dự án, công trình điện, đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân vì có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của thành phố.Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền TP. Hà Nội cần tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tạo sinh kế mới cho người dân.
Song song với phát triển kinh tế, thành phố cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, đa dạng, phong phú thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam; chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, đây là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta...
Đại hội các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ IV đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029, gồm: Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85% và 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị...
Ông Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Ban Dân tộc chủ trì tham mưu việc rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt lưu ý những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024./.