CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Invest Global 09:02 08/01/2025

Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay, Hà Nội luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

Dự án FDI tạo hiệu ứng lan tỏa với doanh nghiệp trong nước

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, từ năm 2008 đến nay, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, đang chú ý là giai đoạn 2018-2020, hai năm 2018 và 2019, thành phố xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; còn năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD.

Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu hút FDI vào TP. Hà Nội có sự giảm sút so với các năm trước. Cụ thể, năm 2021, Hà Nội thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI và năm 2022 thu hút 1,692 tỷ USD vốn FDI nhưng vẫn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Hà Nội vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: VGP

Hà Nội vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế bởi kết quả thu hút vốn FDI trong các năm 2023, 2024 tiếp tục cao hơn so với các năm trước và đều đạt mức trên 2 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa, Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhờ đó, khu vực FDI đã đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị. Khu vực FDI đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng GRDP. Khu vực FDI cũng đóng góp cơ bản trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn.

Qua thời gian, các dự án FDI tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước. Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm; tác động chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực.

Hướng tới thành quả thu hút FDI cao hơn

Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Do đó, Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư để giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần được khơi thông để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả hơn.

Về quy hoạch, thành phố đã thay đổi địa giới hành chính năm 2008, hiện nay đang điều chỉnh một số quy hoạch dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai do phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch.

Về cơ cấu lĩnh vực thu hút đầu tư FDI vẫn đang có sự chênh lệch. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ trọng đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo nhưng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế. Thành phố chưa thu hút được các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao.

Đến nay, hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn đã được lấp đầy, các khu công nghiệp - cụm công nghiệp mới được phê duyệt đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc này, Hà Nội cần tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế.

Khu công nghiệp Sài Đồng A, Sài Đồng, Hà Nội. Ảnh: VGP

Thành phố cũng đã tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại...

Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.

Trong năm 2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Đơn cử như dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô; dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực.

Do đó, Hà Nội đang đứng trước cơ hội với việc khai thác lợi thế, thực hiện cải cách, vận dụng quy định mới để hướng tới những thành quả thu hút FDI cao hơn trong thời gian tới.

Thông tin Doanh nghiệp