CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Habeco và Sabeco trong 'cơn bão kép' của ngành bia Việt

Invest Global 10:38 20/04/2021

Nghị định 100 cùng với dịch Covid-19 được ví như "cơn bão kép" có sức ảnh hưởng khủng khiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới như Việt Nam.

Năm 2020 có thể nói là năm phong ba bão táp của ngành bia do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ Nghị định 100. Đỉnh điểm quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận các hãng bia xuống đáy. Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lỗ 98 tỷ trong quý I, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ mức lợi nhuận kỷ lục cũng lao dốc chỉ còn lãi 716 tỷ đồng, thấp nhất trong lịch sử nhiều năm.

Lợi nhuận Habeco bật tăng, Sabeco giảm sút

Cơn bĩ cực của ngành bia đã qua, lợi nhuận các hãng bia đã khôi phục đáng kể từ nửa cuối năm 2020 nhờ việc kiểm soát dịch bệnh tốt của Chính phủ.

Năm 2020, doanh thu của Sabeco giảm 26% xuống mức 27.961 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn kinh doanh giảm sâu 31% cùng với tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, Bia Sài Gòn vẫn có lãi 4.936 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Bia Hà Nội đạt doanh thu 7.464 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 721 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ; lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 718 tỷ đồng, tăng 33%.

Bia Hà Nội có lợi nhuận tăng trong khi Bia Sài Gòn giảm cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020.

Cả hai hãng bia lớn đang niêm yết trên sàn (mã BHN và SAB) đều cho rằng, sự sụt giảm của doanh thu và lợi nhuận năm 2020 là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-10 và Nghị định 100 cũng như bão, lũ lụt. Song, nếu nhìn vào hai hãng bia này có thể thấy, doanh nghiệp lớn khi xảy ra khủng hoảng sẽ thiệt hại lớn đầu tiên. Bia Hà Nội tỏ ra vượt trội về chỉ số tài chính hơn so với Sabeco. "Ông lớn" ngành bia này chỉ giảm 20% doanh thu so với Sabeco giảm tới 26%. Lợi nhuận Bia Sài Gòn giảm 8%, trong khi Bia Hà Nội tăng 33% so với cùng kỳ.

Sabeco giờ đây chịu sự chi phối lớn của ThaiBev, do đó mọi quy trình cũng như quản lý, chính sách bán hàng phụ thuộc vào tập đoàn Thái. Trong khi Habeco vẫn do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, đại diện là Bộ Công Thương với 81,79% vốn.

Habeco đặt kế hoạch kinh doanh 2021 thấp 

Bia Hà Nội vừa có tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2021. Theo đó, Ban lãnh đạo Tổng công ty tiếp tục nhận định năm 2021 sẽ có nhiều thách thức với ngành bia nói chung và công ty nói riêng. Bộ Y tế dự báo cuộc chiến với dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2021. Nguồn cung vaccine còn hạn chế, những giải pháp như khoanh vùng, giãn cách… sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành nghề kinh tế.

Đặc biệt, du lịch, nhà hàng, khách sạn… vẫn là những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Thu nhập của nhiều lao động bị giảm sút. Những khó khăn này sẽ trực tiếp tác động, làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bia, rượu, nước giải khát.

Cuộc cạnh tranh trong ngành bia cũng vô cùng khốc liệt. Habeco cho rằng các đối thủ tập trung nguồn lực rất lớn vào việc thực hiện các chương trình khuyến mại đến người tiêu dùng xuyên suốt năm, đầu tư rất nhiều cho hệ thống phân phối. Các đối thủ liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới nhằm đa dạng danh mục và cạnh tranh trực tiếp vào phân khúc phổ thông - vốn là thế mạnh của Bia Hà Nội.

Từ bối cảnh vĩ mô như vậy, Habeco trình Đại hội cổ đông mục tiêu sản lượng tiêu thụ bia đạt 280 triệu lít, lãi sau thuế 255 tỷ đồng, giảm 61% so với thực hiện năm 2020.

Bia Hà Nội đặt một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong bối cảnh ngành bia cạnh tranh khốc liệt và tác động từ đại dịch. Song thực tế cho thấy, Habeco cũng giống như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, thường đặt kế hoạch kinh doanh thấp nhưng khi thực hiện thường vượt kế hoạch. Từ năm 2010 đến nay, Bia Hà Nội chưa bao giờ có lợi nhuận dưới 400 tỷ. Năm 2010, hãng bia này đã đạt lợi nhuận 734 tỷ đồng, năm 2014 tăng lên 1.100 tỷ. Năm 2018 là năm Bia Hà Nội có lợi nhuận thấp nhất cũng đạt 484 tỷ đồng, năm 2019 đạt 523 tỷ đồng.

Về đại dịch Covid-19, đến thời điểm này có thể nói Việt Nam đã chống đỡ tốt sau 3 đợt dịch bùng nổ. Nếu Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch, các hãng bia sẽ có cơ hội vượt qua cơn bĩ cực nhanh hơn.

Bia Hà Nội xác định việc xây dựng thương hiệu, triển khai hệ thống E-Commerce và kênh siêu thị; tăng độ phủ và chất lượng độ phủ hàng hóa trên toàn miền Bắc, gia tăng tại miền Nam và miền Trung; tiếp tục thoái vốn tại những đơn vị đầu tư ngoài ngành… Tổng công ty tiếp tục xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư hệ thống lọc bia, nâng cao năng lực chiết rót, đóng gói, bổ sung bồn chứa lên men… để tăng năng suất, hiệu suất dây chuyền; cải tạo hệ thống kho chứa hàng. Đồng thời, dự kiến triển khai dự án đầu tư hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể tại Công ty TNHH MTV thương mại Habeco và bổ sung phân hệ quản lý sản xuất, quản lý chất lượng trên hệ thống Sap Erp Habeco.

Trong khi đó, Sabeco đến nay chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021. Song, nhiều tổ chức tài chính nhận định, khó khăn còn hiện hữu, diễn biến của đại dịch còn phức tạp, do đó đà hồi phục toàn ngành sẽ khá chậm, nhu cầu tiêu thụ chỉ trở lại vào năm 2022, chứ không phải năm 2021.

Đóng phiên giao dịch ngày 14/4, BHN có giá 70.200 đồng/cổ phiếu, vốn hoá vượt 16.000 tỷ đồng. Trong khi đó, SAB đạt 173.500 đồng/cổ phiếu, vốn hoá đạt 112.000 tỷ đồng. Cổ phiếu của cả hai hãng bia đều giảm một nửa, vốn hoá "bốc hơi" mạnh so với thời điểm đỉnh cao hồi đầu 2018. Khi đó, ThaiBev đã chi 5 tỷ USD để mua 53% vốn của Sabeco, giá bình quân 320.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính về thị giá trên sàn, Thaibev đang lỗ hơn 50.000 tỷ đồng cho thương vụ này nếu nhìn ở góc độ tài chính.

Hướng đi nào cho các hãng bia thời đại dịch?

Dù vẫn thuộc top của thế giới, song sản lượng sản xuất bia năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 4,4 tỷ lít, giảm 13,9% so với năm trước. Sự suy giảm của cả ngành khiến cho “miếng bánh” bé lại trong khi cạnh tranh giữa các hãng bia ngày càng gay gắt.

Ngành bia là ngành nhạy cảm với đại dịch. Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, ngành bia sẽ tiếp tục đà hồi phục trong năm 2021 trong điều kiện Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh. Song nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022 mà không phải là năm 2021.

"Năm 2019, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on-premise) chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam. Vào năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. Do đó, nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid vào năm 2022", theo Euromonitor.

 Thách thức thay đổi kênh phân phối để thích ứng với tác động của Nghị định 100 và đại dịch Covid-19 với các hãng bia.

Do đó, việc đẩy nhanh thương mại điện tử, xây dựng kênh phân phối mua về nhà (off-premise) trở nên quan trọng với các hãng bia. Đây được cho là hướng đi mới của các hãng bia nhằm thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100. Hiện, một số hãng bia lớn đã tập trung mạnh mẽ cho kênh offpremise và kênh thương mại hiện đại.

Việc phát triển sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi cho các hãng bia, các sản phẩm mới cho thế hệ trẻ, đặc biệt các loại đồ uống lên men từ trái cây được cho là xu hướng mới mà các hãng bia cần tiếp cận và đa dạng.

Bạch Huệ

Doanh nghiệp - Doanh nhân