CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường này. Đây cũng là nội dung được thảo luận tại Hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử" ngày 8/11.
Lan tỏa mạnh mẽ
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho hay, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng phát triển là động lực góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội đã và đang tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn kết nối với doanh nghiệp công nghệ, phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa.
Thương mại điện tử lan tỏa ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp tại Hà Nội.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Lê Nam Trung cho biết, thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 20% - 25%/năm. Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Lĩnh vực đầy tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Thực tế cũng cho thấy, thương mại điện tử nói riêng và quá trình chuyển đối số nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có sự lan tỏa mạnh mẽ. Một minh chứng là tại một số chợ ở các quận như Long Biên, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai,…đạt tỷ lệ 96-100% các hộ kinh doanh trong chợ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi đã triển khai 100% hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Các cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ, các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng tiếp cận và sử dụng phổ biến các hình thức bán hàng trực tuyến, tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, duy trì, mở rộng kinh doanh hiệu quả…
Việc ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử đã len lỏi vào hầu hết lĩnh vực, các doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh...
Thêm động lực phát triển
Những chuyển biến là rõ nét, tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử" vừa diễn ra, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay việc chuyển đổi số tại cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều thách thức.
Điển hình, theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lĩnh vực kế toán, thuế và khâu thiết kế được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên.
Tuy nhiên, nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử" đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.
Để hóa giải những thách thức, đồng thời hoàn thành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố đến năm 2025, trong đó có mục tiêu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số và có 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực vào năm 2025, Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
Cụ thể, Hà Nội đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó việc cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, tư vấn, cung cấp các nền tảng số hóa và hỗ trợ tài chính cho việc mua hoặc thuê các giải pháp chuyển đổi số.
Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay.
Trong tháng 6/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch "Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025". Với tinh thần "Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển", thành phố Hà Nội xác định các mục tiêu và nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số.
Cùng với đó, trong thời gian qua, các cơ quan của thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố.
Chiều 7/11, tại Hội trường Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội".
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề "Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024)".
Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.
Nam Phong