CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Từ giữa thập niên 90, người ta không khỏi trầm trồ với Hạ Long Plaza – một khách sạn hạng sang nằm bên bờ vịnh Hạ Long. Ít ai biết, ý tưởng xây dựng khách sạn này đến từ việc ông chủ của nó – doanh nhân Đoàn Quốc Việt (SN 1955) và một người bạn, chỉ bởi không tìm được khách sạn như ý trong chuyến công tác ở Hạ Long.
Công trình ấy lại chính điểm bắt đầu cho sự nghiệp kinh doanh đồ sộ của vị doanh nhân sinh năm 1955.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long ra đời vào năm 1994, đây cũng là thành viên có tuổi đời lâu và nắm vai trò "lõi" trong hệ sinh thái BIM Group.
Sau nhiều lần điều chỉnh tăng/giảm, vốn điều lệ Sản xuất Hạ Long tính đến tháng 7/2018 đạt 850 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm: Ông Đoàn Quốc Việt (88,342%) và vợ là bà Khổng Thị Hiền (11,658%).
Danh từ riêng “Hạ Long” ở tên công ty phần nào cho thấy địa bàn hoạt động chính của doanh nghiệp. Theo tìm hiểu, công ty đóng trụ sở tại tầng 1, tòa nhà Green bay, đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chẳng những thế, nhiều dự án bất động sản làm nên tên tuổi của tập đoàn, cũng như doanh nhân Đoàn Quốc Việt cũng đều từ đây.
Bên cạnh Hạ Long Plaza đề cập phần đầu bài viết, BIM Group nắm trong tay danh mục nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Hạ Long, đó là khu đô thị Halong Marina (diện tích 248 ha) gồm các dự án thành phần như: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha),…
Ngoài ra, BIM Group còn là chủ đầu tư khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng. Được biết, 4 dự án thành phần BIM Group đề xuất lập theo quy hoạch 1/500 vào tháng 3/2019 gồm: khu Đa giác số 1 có diện tích khoảng 3,25 ha; khu Đa giác số 2 có diện tích khoảng 2,03 ha; khu hỗn hợp và dịch vụ công cộng - Bán đảo số 3 (gồm các lô đất H12, H13, H14, ĐVCC1, CXTDIT) có diện tích khoảng 4 ha và khu bán đảo số 1 có diện tích 36,36 ha.
Không chỉ bất động sản nghỉ dưỡng, BIM Group còn lấn sân sang lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp. Cụ thể, tập đoàn vào tháng 8/2019 đã được UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp với quy mô khoảng 2.000 ha.
Vượt ra khỏi phạm vi Hạ Long (Quảng Ninh), quỹ đất của BIM Group còn bao gồm nhiều dự án tại các địa phương khác, tiêu biểu nhất là khu phức hợp du lịch Phu Quoc Marina (diện tích 155 ha). Tập đoàn này đã ký thỏa thuận với InterContinental Hotel Group về việc sử dụng thương hiệu Crowne Plaza cho 2 dự án của tập đoàn tại Viêng Chăn (Lào) và Phú Quốc. Bên cạnh đó, BIM cũng sở hữu tòa nhà Syrena Tower tại Hà Nội, bao gồm khu căn hộ dịch vụ Fraser Suites Hanoi.
Bim Group cho biết, quỹ đất của tập đoàn tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận, Lào lên tới hơn 5,6 triệu m2.
Tập đoàn tư nhân hàng đầu Quảng Ninh còn nổi danh với các sản phẩm tôm hàu chế biến và đông lạnh xuất khẩu, thông qua CTCP Thủy sản BIM và CTCP Thực phẩm BIM, BIM Group sở hữu các đơn vị vận hành là: Trung tâm đầu tư và phát triển nguồn giống Phú Quốc (Phú Quốc), Khu nuôi tôm Đồng Hòa (Kiên Giang), Khu nuôi tôm Minh Thành (Quảng Ninh), Nhà máy chế biến thủy sản Tắc Cậu (Phú Quốc), Khu nuôi hàu Thái Bình Dương (Quảng Ninh).
Đặc biệt, không thể không nhắc đến lĩnh vực muối của tập đoàn với 2.200 ha cánh đồng muối tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận, tổng sản lượng khoảng đạt 350.000 tấn/năm.
Lĩnh vực nông phẩm in đậm hình bóng của nữ doanh nhân Khổng Thị Hiền. Cụ thể, bà là Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần 17,5% vốn góp tại CTCP Xay xát và Chế biến gạo BIM (chủ đầu tư dự án Nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất); đại diện giữ 35,67% phần vốn góp tại CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM (sở hữu cánh đồng muối Cà Ná và Tri Hải thông qua nắm cổ phần chi phối CTCP Muối Ninh Thuận); đại diện phần 99,9% vốn góp CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận (chủ dự án muối Quán Thẻ tại Ninh Thuận).
Với mỗi doanh nghiệp, việc duy trì dòng tiền ổn định là yếu tố rất quan trọng. Do đó, khi phát triển đến một mức nhất định, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư sang các lĩnh vực phòng thủ, như: điện, nước, năng lượng tái tạo,… Có thể thấy nhiều trường hợp tiêu biểu như Tập đoàn Xuân Thiện Ninh Bình, Vietracimex, và dĩ nhiên BIM Group cũng không là ngoại lệ.
Vào tháng 8/2019, BIM Group đã khánh thành cụm 3 nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW tại Ninh Thuận, tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Được biết, đây là dự án mà Bim Group hợp tác đầu tư với AC Energy thuộc Ayala (Philppines).
Theo tìm hiểu, cụm 3 nhà máy điện mặt trời gồm BIM 1, công suất 30 MWp (chủ đầu tư là CTCP Năng lượng BIM); BIM 2 có công suất 250 MWp (chủ đầu tư là CTCP Năng lượng tái tạo Bim) và BIM 3 công suất 50 MWp (chủ đầu tư là CTCP Năng lượng tái tạo Bim) đã hoàn tất nghi thức đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4/2019.
Đặc biệt, như đã đề cập, BIM Group nắm trong tay 2.200 ha đất cánh đồng muối tại Ninh Thuận. Đây sẽ là lợi thế không nhỏ để tập đoàn phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.
Giả thuyết này không phải không có cơ sở. Bởi, trong cấu trúc các thành viên của BIM Group, CTCP Cà Ná Muối Nình Thuận tính đến tháng 6/2020 nắm 9,667% vốn CTCP Điện gió BIM. Đồng thời, CTCP Sản xuất và chế biến Muối BIM (tính đến tháng 11/2019) sở hữu 31,799% vốn CTCP Năng lượng BIM – như đã đề cập, đây là công ty liên kết giữa BIM Group và AC Energy (nắm 47,002%).
Đáng chú ý, Chế Biến Muối BIM trong năm 2019 và 2020 (cùng với CTCP Tập đoàn Năng lượng Bim, ông Đoàn Quốc Việt và AC Energy Vietnam Investments) đã thế chấp một số tài sản cho các khoản vay tại Rizal Commercial Banking Corporation – Trust and Investments Group (Philipines).
Bên cạnh các lĩnh vực kể trên, Bim Group, thông qua CTCP Life Style Việt Nam, còn sở hữu chuỗi phòng tập Elite Fitness và kinh doanh độc quyền thương hiệu Zpizza. Tính đến tháng 7/2016, cơ cấu cổ đông doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (96,67%), Đoàn Quốc Huy (1,67%) và Khổng Thị Hiền (1,67%). Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT hiện tại công ty là doanh nhân Đoàn Quốc Huy (SN 1984) – con ông Đoàn Quốc Việt.
Ngoài ra, thông qua công ty con là CTCP Thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới, Life Style Việt Nam còn sở hữu mô hình sân chơi Giáo – Trí mang thương hiệu "tiNiWorld" (ra đời từ tháng 9/2009). Tháng 11/2016, công ty đạt dấu mốc quan trọng khi được Quỹ đầu tư Standard Chartered rót vốn đầu tư 40 triệu USD.
Lĩnh vực hiếm hoi mà doanh nhân họ Đoàn không mấy có "duyên" là hàng không. Cụ thể, Air Mekong vào tháng 10/2010 là hãng hàng không tư nhân thứ 2 thực hiện khai thác sau Indochina Airlines.
Dù từng nhận định hàng không đem lại những cơ hội mới cho các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng của BIM và những nguồn lợi khác mà người bên ngoài khó nhìn thấy, nhưng Air Mekong đã phải dừng bay từ tháng 3/2013 để tái cấu trúc, trong đó có việc thay đổi loại máy bay. Chưa biết khi nào Air Mekong mới bay trở lại, website của BIM Group không còn giới thiệu về lĩnh vực này.
Tiềm lực tài chính của nhóm BIM Group thế nào?
Hoạt động dựa trên 4 trụ cột là bất động sản, nông phẩm, thương mại dịch vụ và năng lượng tái tạo, cơ cấu tổ chức của Bim Group và các công ty thành viên có sự phân chia rõ ràng.
Trong đó, như đã đề cập, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long đóng vai trò là hạt nhân quan trọng nhất. Theo BCTC năm 2019 (công ty mẹ), doanh thu Sản xuất Hạ Long đạt 1.722 tỷ đồng, lãi thuần gần 755 tỷ.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tính đến hết ngày 31/12/2019 là 5.925 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.285 tỷ.
Kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long có thể coi là ấn tượng hơn cả khi xét về 2 chỉ tiêu ROE và ROA lần lượt đạt 69,67% và 14,89%.
Quản lý lĩnh vực bất động sản của BIM Group là CTCP Bất động sản BIM Land. Với hoạt động theo mô hình holding, chuyên trách quản lý các công ty thành viên, Bim Land suốt giai đoạn 2016 – 2019 không có doanh thu (ngoại trừ năm 2019 doanh thu 18,9 tỷ), nhưng vẫn ghi nhận lãi thuần.
Cụ thể, năm 2016 công ty ghi nhận 159,4 tỷ lãi thuần; lỗ 184 triệu năm 2017; lãi lần lượt năm 2018 và 2019 đạt 1.100 tỷ và 699 tỷ.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản BIM Land tính đến hết ngày 31/12/2019 đạt 3.206 tỷ, giảm 20,9% so với số đầu kỳ. Cấu thành chủ yếu tài sản là vốn chủ sở hữu 3.057 tỷ (chiếm 95,3%).
Thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, Bim Land sở hữu 7 công ty con/công ty liên kết là: CTCP Syrena Hùng Thắng, CTCP Bất động sản Syrena Hạ Long, Công ty TNHH Bim Kiên Giang (chủ đầu tư Khu phố Palm Garden Phú Quốc, vốn đầu tư 634 tỷ đồng), CTCP Xây dựng và Phát triển nhà ở San Hô (chủ đầu tư dự án Green Bay Garden – Hạ Long, Quảng Ninh), CTCP Bất động sản Syrena Phú Quốc (chủ đầu tư dự án Dự án Intercontinental Resort Phú Quốc ), CTCP Syrena (chủ đầu tư Khách sạn Syrena – Hà Nội), CTCP Bất động sản Hùng Thắng.
Ở lĩnh vực nông phẩm (thực phẩm và muối), khá bất ngờ khi nhiều doanh nghiệp trong năm 2019 ghi nhận lỗ thuần, đó là: Thực phẩm BIM (lỗ 339 tỷ), Chế biến gạo BIM (lỗ hơn 14 triệu) và Thủy sản BIM (lỗ 103 triệu).
Ngược lại, Muối BIM và Muối Cà Ná Nình Thuận năm 2019 lần lượt lãi 29,8 tỷ và 31 tỷ.
Công ty TNHH Tập đoàn BIM – đơn vị thành lập vào tháng 7/2018, nhiều khả năng có vai trò quản lý các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy sản của BIM Group.
Được biết, Công ty TNHH Tập đoàn BIM hiện nắm 23,667% vốn CTCP Điện gió BIM và sở hữu 2 công ty con là CTCP Điện gió BIM, CTCP Thủy sản BIM.
Liên quan tới Điện gió BIM, BCTC quý III/2020 của CTCP Xây lắp điện 1 (HSX: PC1) phát sinh khoản trả trước của người mua lên tới 41 tỷ đồng từ CTCP điện gió BIM. Quan hệ của BIM Group và PC1 đã diễn ra khá lâu khi PC1 đã làm nhiều dự án cho BIM Group. Hiện tại, CTCP BEHS - doanh nghiệp liên quan tới BIM, đang nắm hơn 17% vốn PC1.
Tương tự BIM Land, Công ty TNHH Tập đoàn Bim không có doanh thu thuần trong 2 hoạt động (hoặc thấp), nhưng lãi thuần 2 năm này lại rất cao.
Cụ thể, lãi thuần doanh nghiệp năm 2018 đạt 1.142 tỷ, năm 2019 là 785 tỷ đồng.
Dù mới khánh thành cụm 3 nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận được vỏn vẹn 4 tháng (cụ thể vào tháng 8/2019), nhưng kết quả kinh doanh CTCP Năng lượng tái tạo BIM cũng rất ấn tượng khi lãi thuần năm 2019 đạt 343,5 tỷ đồng.
Với CTCP Năng lượng BIM, doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 53,8 tỷ đồng doanh thu và 6,9 tỷ đồng lãi thuần (trước đó năm 2018 lỗ thuần 116 triệu).
Trong năm 2019, ông chủ hệ thống Elite Fitness đạt 2,3 tỷ đồng lãi thuần, tăng 275,2% so với năm 2018. Tính cả giai đoạn 2016 – 2019, lãi thuần bình quân tăng trưởng 47,7%/năm.
Công ty con của LifeStyle Việt Nam - TMDV Thiếu Nhi Mới lại không có lợi nhuận năm 2019. Trước đó, kết quả kinh doanh TMDV Thiếu Nhi Mới khá ổn định khi đạt 788 triệu năm 2016; 1,1 tỷ năm 2017 và 1,1 tỷ năm 2018.