CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa

Invest Global 08:48 26/05/2025

Thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng với nhiều nước trên thế giới, các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng... việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách, phù hợp với tình hình mới...

Tại hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa”, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Để thực thi chi tiết các quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, xác minh xuất xứ, trách nhiệm của các bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ra đời giúp Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP, cho thấy các quy định của Nghị định đã góp phần tạo khung pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và tạo điều kiện để thương nhân đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do.

Tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 47 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa trên cơ sở tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết về xuất xứ hàng hoá tại các Hiệp định thương mại tự do.

Từ ngày 01/01/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đang thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử nhanh, hiệu quả. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.

Mặc dù vậy, ông Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận sau 7 năm thực hiện Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA với nhiều quy định, cam kết khác nhau đã phát sinh một số vấn đề mà Nghị định này cần điều chỉnh như: quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...

Theo ông Sơn, hiện nay thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới, các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng nên việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách, phù hợp với tình hình mới.

Trong đó, Nghị định cần hướng tới các mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế. Áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu quản lý rủi ro, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ. Thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Nghị định sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ vấn đề đang gây khó khăn với ngành, đó là gỗ rừng trồng do doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất theo quy định không phải xin xác nhận vào bản kê lâm sản từ chính quyền địa phương cấp xã hay cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên, trên hồ sơ xin cấp C/O của Bộ Công Thương lại yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản kê lâm sản có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã và cơ quan kiểm lâm.

Vì thế, vị đại diện này cho rằng quy định của Bộ Công Thương không đồng bộ với Thông tư 26 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tham gia chế biến gỗ xuất khẩu để tránh mức thuế cao từ Hoa Kỳ. Với quy định sản phẩm gỗ xuất khẩu nếu chỉ có các công đoạn lắp ráp đơn giản sẽ không được xin C/O, nhưng thực tế sẽ rất khó xác định điều này, bởi nhiều sản phẩm chỉ qua công đoạn đục, bào, sơn lại một chút sẽ được xem xét là sản phẩm không qua công đoạn lắp ráp giản đơn.

Do đó, Hiệp hội gỗ kiến nghị ban soạn thảo Dự thảo cần quy định những mặt hàng đặc thù hay có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ cần có thêm phụ lục, quy định chi tiết việc lắp ráp cơ bản là thế nào, để minh bạch hóa điều này.

Khung pháp lý