CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hoàn thiện khung pháp lý, tiếp sức tín dụng xanh phát triển

Invest Global 10:35 16/07/2025

Các đại biểu cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển bền vững trong ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Đại diện các tổ chức tín dụng tham dự toạ đàm về tài chính xanh ngày 15/7/2025. (Ảnh: Vietnam+)

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Điều này cho thấy cần có thêm các cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho hoạt động thống kê, đo lường và giám sát.

Đó là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng tại Tọa đàm với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến tài chính xanh” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội.

Tín dụng xanh lan tỏa rộng trong hệ thống ngân hàng
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, ngành Ngân hàng được xác định là lực lượng then chốt trong triển khai các giải pháp tài chính xanh, đặc biệt là thúc đẩy tín dụng xanh hướng tới phát triển bền vững.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực cho vay danh mục xanh. Đáng chú ý, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước phối hợp GIZ ban hành danh mục 12 ngành xanh, bước đi tiên phong trong khu vực ASEAN.

Song song, tín dụng xanh được cụ thể hóa trong các văn bản pháp lý như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 156/2025/NĐ-CP, với những quy định ưu tiên cấp vốn cho sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ. Một trong những chương trình tiêu biểu là tín dụng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai từ đầu năm 2025, đã giải ngân khoảng 3.700 tỷ đồng.

Không chỉ dừng ở cấp vốn, Ngân hàng Nhà nước còn đặc biệt chú trọng đến quản trị rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động tín dụng. Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường đối với ba nhóm dự án có tác động lớn. Đến nay, 100% tổ chức tín dụng đã ban hành quy trình nội bộ để triển khai quy định này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với IFC ban hành Sổ tay quản trị rủi ro môi trường - xã hội áp dụng cho 15 ngành, và mới đây là phiên bản mở rộng áp dụng cho tất cả lĩnh vực tín dụng.

“Chúng tôi đang hoàn thiện bản tiếng Anh để hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc xây dựng chương trình quản trị nội bộ,” bà Tùng thông tin.
Tại tọa đàm, các đại biểu ghi nhận nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động tiếp cận tín dụng xanh, không chỉ hưởng ứng định hướng của Ngân hàng Nhà nước mà còn có hành động cụ thể.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các tổ chức tín dụng đã coi tài chính xanh là một phần trong chiến lược phát triển, chủ động phối hợp với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực bền vững.

Tính đến 31/3/2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt hơn 704.000 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ nền kinh tế.

Đặc biệt, Agribank - ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp - là đơn vị đi đầu trong triển khai tín dụng xanh quy mô lớn. Từ năm 2016, ngân hàng này đã dành ít nhất 50.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, sạch, cùng các chương trình đặc thù như: 2.000 tỷ đồng cho OCOP, 30.000 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu nông, lâm sản, 1 triệu ha lúa chất lượng cao…

Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nhấn mạnh, ngành Ngân hàng nhận thức rõ vai trò quan trọng của tín dụng xanh trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững. (Ảnh: Vietnam+)
Đến nay, hơn 42.000 khách hàng vay vốn xanh tại Agribank, với dư nợ gần 29.000 tỷ đồng. Trong đó, 53% là năng lượng sạch, 24% lâm nghiệp bền vững, 22% nông nghiệp xanh. Agribank cũng tích cực tiếp nhận vốn từ WB, ADB và triển khai gói tín dụng xanh cá nhân 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 3,5%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietcombank đã phát hành trái phiếu ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) để huy động vốn cho các dự án xanh: Năng lượng tái tạo, công trình xanh, nhà ở xã hội… Một số tổ chức tín dụng còn thành lập ban quản lý chiến lược ESG, đầu tư phần mềm, cơ sở dữ liệu, tích hợp quản trị rủi ro môi trường - xã hội vào hệ thống điều hành.

Thiếu cơ chế hỗ trợ và nhận thức đồng đều
Dù tín dụng xanh đã có bước tiến quan trọng, quy mô thị trường tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng giá trị trái phiếu xanh trong 5 năm mới đạt khoảng 1,16 tỷ USD, trong khi nhu cầu vốn cho chuyển đổi xanh ước khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, những khó khăn lớn hiện nay là thể chế tài chính xanh chưa hoàn thiện, lãi suất quốc tế cao, rủi ro tỷ giá, và sự chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và thời gian hoàn vốn của dự án xanh. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải đầu tư lớn cho hệ thống đánh giá rủi ro, trong khi năng lực cán bộ và nhận thức doanh nghiệp về tài chính xanh vẫn chưa đồng đều.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Agribank, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế rất khó khăn vì các điều kiện vay rất khắt khe, quy trình xét duyệt phức tạp và lãi suất không còn thực sự ưu đãi. Nếu cộng cả lãi suất và chi phí mà các tổ chức tín dụng phải bỏ ra để đáp ứng điều kiện kỹ thuật thì không thể có nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

“Việc thiếu các cơ chế hỗ trợ như quỹ bảo lãnh tín dụng xanh hay chính sách cấp bù lãi suất càng khiến các ngân hàng dè dặt khi tiếp nhận và triển khai nguồn vốn quốc tế vào các dự án nông nghiệp xanh, vốn có độ rủi ro cao và thiếu tài sản đảm bảo,” bà Hà cho biết.

Do đó, bà Hà đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện hướng dẫn về quản trị rủi ro xã hội, cập nhật hệ thống dữ liệu vi phạm môi trường của doanh nghiệp giúp tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro và phân bổ vốn hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)
Đại diện Agribank cũng đề xuất cần xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, phí cho khoản vay xanh, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh để chia sẻ rủi ro, nhất là với các dự án nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.

Để mở rộng quy mô tín dụng xanh, theo đại diện Agribank, cần huy động thêm các nguồn lực ngoài hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vốn ODA, các quỹ khí hậu và ngân hàng phát triển quốc tế. Việc đàm phán để triển khai chương trình cho vay lại, ủy thác cho vay là rất cần thiết. 
Về phía cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp theo Kế hoạch hành động ngành ngân hàng giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào triển khai Quyết định 21/2025/QĐ-TTg, hướng dẫn cho vay danh mục xanh và thống kê tín dụng xanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ ngành đề xuất chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay thực hiện dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng ESG theo Nghị quyết 139/NQ-CP.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh và carbon trong nước, tạo thêm kênh huy động vốn cho các nhà đầu tư xanh. Cùng với đó là kiến nghị cơ chế cho các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn ưu đãi dài hạn, để triển khai tín dụng xanh với thời hạn và lãi suất hợp lý./.

(Vietnam+)

Khung pháp lý