CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

HỘI THẢO XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VIỆT NAM- ẤN ĐỘ TRONG LĨNH VỰC DƯỢC PHẨM

Invest Global 11:27 22/01/2021

Nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại giữa Ấn Độ với Việt Nam, ngày 21 tháng 01 năm 2021, tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài VAFIE, Trung tâm Thông tin và Tư vấn Đầu tư - Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế Invest Global đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực Dược phẩm.

Sự kiện có sự tham dự của 190 đại biểu, trong đó có Lãnh đạo Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, Phòng thương mại Ấn Độ, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và  đại diện cho các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ và Việt Nam.

Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất trên thế giới. Quy mô ngành dược của Ấn Độ xấp xỉ 43 tỉ USD năm 2019-2020 và dự tính 55 tỉ trong năm 2022. Ấn Độ xuất khẩu thuốc sang 200 quốc gia trên thế giới, cung cấp trên 50%  sản phẩm vắc xin trên toàn cầu, 80% thuốc kháng virus ARV trong cuộc chiến chống Đại dịch HIV-AIDS. Ấn Độ  là nước sản xuất ra nhiều loại nguyên liệu dược phẩm, đội ngũ lao động lành nghề và có nền tảng và đầu tư nhiều cho nghiên cứu  phát triển.


Phát biểu chào mừng Hội thảo, Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực dược phẩm theo tinh thần của “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và người dân” được Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam thông qua vào ngày 21.12.2020. Đại sứ Ấn Độ cũng nhấn mạnh về năng lực sản xuất thuốc và Vaccine chất lượng cao, giá rẻ của các doanh nghiệp Ấn Độ và việc Ấn Độ công bố Chương trình tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử loài người chống Đại dịch COVID-19 vào ngày 16.01.2021 sử dụng hai loại Vaccine do chính Ấn Độ sản xuất. Đại sứ cho biết thêm  “Việt Nam là nước tiêu thụ dược phẩm chính của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hàng năm trị giá 225 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 19 trong số 25 điểm đến hàng đầu cho các sản phẩm dược phẩm của Ấn Độ ”.

 

Tại phiên khai mạc, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) dẫn từ nguồn BMI Research, năm 2018 quy mô thị trường ngành dược Việt Nam đạt 5,9 tỉ USD, trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, thuộc nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất trên thế giới. Ngành dược trong nước đã tăng trưởng mãnh mẽ, hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP nhưng mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu thị trường nội địa, số còn lại phải nhập khẩu. 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm đạt 2,7 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 năm tới, dự báo ngành dược Việt Nam tăng 11%/năm, thuộc diện ổn định nhất thế giới, đạt 7,7 tỉ USD năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026. Các quy định mới về dược phẩm trong EVFTA và các FTAs khác sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ thương mại giữa các bên ký kết, đem lại lợi ích cho công dân Việt Nam khi được tiếp cận nguồn dược phẩm chất lượng cao, đồng thời cũng đem đến cơ hội xuất, nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này thuận lợi hơn tại thị trường Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mại cho biết thêm: “Các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và Ấn Độ có thể thiết lập mối quan hệ lâu dài, tiến tới ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư, đôi bên cùng có lợi ”.

 

Giáo sư Nguyễn Mại và Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm mà Ấn Độ có thế mạnh, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện luật pháp và thực thi để đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có dược phẩm.

Ông Indronil Sengupta, Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Hà Nội, cho biết: “Ấn Độ có một lực lượng lớn các nhà khoa học và kỹ sư có tiềm năng đưa ngành công nghiệp dược phẩm phát triển lên những tầm cao mới”,  quy mô thị trường của Việt Nam với gần 100 triệu người, có tổng giá trị tiêu thụ dược phẩm khoảng 7 tỷ đô la vào năm 2019 và sẽ tăng 8% hàng năm cho đến năm 2024. Đồng thời, các nhà sản xuất thuốc trong nước mới chỉ có thể đáp ứng một nửa tổng nhu cầu thị trường thuốc, khoảng 60% thành phẩm dược phẩm, 90% thành phần dược hoạt tính trong khi phần lớn nguyên liệu sản xuất hiện được nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc và những nước khác.

 

Phiên thảo luận I với tựa đề “Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam

Trong hai phiên thảo luận với tựa đề “Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam” và “Thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam”, các doanh nghiệp hai bên đưa ra các quan điểm, đề xuất, kiến nghị liên quan đến các thủ tục, quy định pháp lý và nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hiện diện của các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Các doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi thông tin về thị trường, năng lực sản xuất và thương mại, mong muốn thiết lập mối quan hệ lâu dài, tiến tới ký kết và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư, góp phần tích cực vào việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi công nghệ giữa hai nước.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế các Doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính và ông Tạ Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Dược, Bộ y tế đã thông tin về những cơ chế, chính sách quản lý kinh doanh dược phẩm, chính sách ưu đãi thuế, khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt đối với các dự án sản xuất dược phẩm công nghệ cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp để sửa đổi, ban hành Thông tư của Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam.

 

Phiên thảo luận II với tựa đề “Thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam”

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc nhà máy Công ty Cổ phần Dược phẩm Sao Kim, đơn vị sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu làm thuốc chống sốt rét sang châu Phi và một số nước Đông Nam Á, cho biết công ty của ông mong muốn hợp tác nhiều hơn với các công ty Ấn Độ để có thêm nhiều dự án tại Việt Nam phục vụ thị trường dược phẩm có tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao. Ông cũng cho biết: “Với lợi thế về dược liệu và các hoạt chất tự nhiên đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng tôi định hướng phát triển các nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường”.  Ông Anh cho biết thêm các hiệp định FTA sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho các công ty dược Việt Nam cũng như các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia  đầu tư và mua lại các doanh nghiệp tư nhân. Do hầu hết các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất các loại thuốc rẻ tiền và thông dụng, trong khi thuốc có giá trị cao vẫn phải nhập khẩu, ông Anh cho biết Công ty Cổ phần Dược phẩm Sao Kim đang tìm kiếm các đối tác Ấn Độ có thể kết hợp, chuyển giao công nghệ để công ty ông sớm chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất dược phẩm.

Cũng tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu, chủ chuỗi nhà thuốc Green Pharma 24 tại Thanh Hóa, Hà Nội và TP HCM, cho biết 50% doanh thu là từ các sản phẩm của Ấn Độ với giá thấp hơn nhiều so với các loại thuốc nhập khẩu khác. Bà Thu nói: “Người tiêu dùng Việt Nam yêu thích các thương hiệu nước ngoài và họ dễ dàng khuyên họ nên mua các sản phẩm của Ấn Độ với giá bằng các sản phẩm trong nước thay vì phải trả giá cao gấp hai hoặc ba lần đối với thuốc nhập khẩu của châu Âu”.

Sau hội thảo một số Công ty Dược phẩm Ấn Độ và Việt Nam đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm Thông tin và Tư vấn Đầu tư (Invest Global) nhờ kết nối, tìm kiếm đối tác để hợp tác trong đầu tư và thương mại.

Doanh nghiệp - Doanh nhân