CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hyundai Motor bị chỉ trích ‘bất nhất’ trong ứng xử với môi trường

Invest Global 08:19 26/07/2021

Tổ chức môi trường Market Forces hôm thứ Sáu chỉ trích Hyundai Motor Group tham gia xây dựng một nhà máy điện than ở Việt Nam, trong khi tuyên bố chuyển dần sang sản xuất xe điện để bảo vệ môi trường.

Trong một thông cáo đăng trên tờ Financial Times, Market Forces chỉ trích Hyundai Motor và Hyundai E&C vì “các tiêu chuẩn môi trường không nhất quán”, yêu cầu hủy bỏ dự án điện than này. Hyundai Motor Group (Hàn Quốc) là cổ đông lớn nhất của Hyundai E&C.

Tháng 6, Hyundai E&C ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện than 1.200 MW tại Quảng Bình, cùng với Mitsubishi (Nhật Bản) và một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

“Hyundai đang quảng cáo ô tô điện thân thiện với môi trường, trong khi vẫn sản xuất điện than bẩn”, Market Forces viết. “Hyundai không thể tuyên bố là bền vững trong khi vẫn xây dựng nhà máy điện than bẩn”.

Hyundai Motor Group mới đây cho biết tập đoàn đặt mục tiêu doanh số bán ô tô điện tăng 3 lần vào năm 2025 và phát triển pin xe điện mới để đạt được mục tiêu này.

Sau phản đối của Market Forces, Hyundai E&C hôm thứ Sáu tiết lộ kế hoạch loại bỏ các hoạt động kinh doanh liên quan đến than trong tương lai, nhưng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện dự án nhà máy điện than Quảng Trạch 1.

Các nhà hoạt động môi trường chỉ trích tuyên bố loại bỏ điện than trong tương lai của Hyundai E&C chỉ là cách trốn tránh những chỉ trích về việc xây dựng nhà máy điện than Quảng Trạch 1, theo The Korea Times.

“Nếu Hyundai E&C muốn thoát khỏi những lời chỉ trích rằng công bố loại bỏ điện than trong tương lai chỉ nhằm tránh những tranh cãi xung quanh Quảng Trạch 1, họ cần xem xét lại dự án này từ đầu”, Yoon Se-jong, một đại diện của Solutions for our Climate, nói.

Hyundai Motor không đưa ra câu trả lời về các tiêu chuẩn môi trường của tập đoàn trong hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo một công ty thuộc tập đoàn cho biết: “Do các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, họ có quyền tự đưa ra các quyết định liên quan đến môi trường”.

Hyundai Motor Group và bốn công ty con của tập đoàn đã tham gia RE100, một sáng kiến toàn cầu cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Vĩnh Tân 3 là một dự án điện than gây tranh cãi khác ở Việt Nam. Mitsubishi Corp. (Nhật Bản) cuối tháng 2 quyết định rút khỏi dự án này trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu, Nikkei Asia đưa tin.

Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Nhà máy 2.000 MW sẽ sử dụng công nghệ siêu tới hạn tiên tiến.

OneEnergy, một liên doanh của Mitsubishi và tập đoàn CLP của Hồng Kông, nắm giữ 49% cổ phần trong dự án 2 tỷ USD này. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 29%. Các công ty Trung Quốc đang tiến hàng việc thu mua vật liệu, xây dựng và giao thiết bị.

Nhóm ngân hàng đứng sau Vĩnh Tân 3 có Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Standard Chartered và HSBC đã thôi không tài trợ cho nhà máy điện than này.

Đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi một dự án điện than. Tập đoàn cho biết họ sẽ không xây dựng bất kỳ dự án điện than nào sau Vũng Áng 2, một dự án ở Hà Tĩnh mà phía Nhật Bản và Việt Nam đang cùng theo đuổi.

Mitsubishi có kế hoạch tham gia phát triển các dự án điện ít gây hại cho môi trường, bao gồm các dự án điện khí hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khoảng 26.000 MW (chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống), sản xuất khoảng 131 tỷ kWh (chiếm 49,3% sản lượng điện).

(Theo The Korea Times, Nikkei Asia)

Quốc tế