CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Khẩu vị' mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, startup Việt muốn gọi vốn không thể không biết: Ưa chuộng mô hình khởi nghiệp có cả B2C và B2B, nguồn doanh thu đa dạng

Invest Global 09:41 08/08/2024

Không hẹn mà gặp, hều hết startup Việt được JETRO lựa chọn để giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đều làm cả B2B và B2C. Khởi nguyên, Cricket One chỉ làm B2B và mới lấn sân sang B2C từ năm 2023; ngược lại, AirX đi từ B2C đến B2B. Các dự án chuyên về chế tạo/deeptech như MET EV, Realtime Robotics, Vulca Augmetics và Olli cũng có nhiều kênh doanh thu.

Mới đây, JETRO – Đại sứ quán Nhật Bản, JCCI và NIC đã cùng nhau tổ chức sự kiện Inno Vietnam – Japan Meetup ở TP.HCM. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ J-Bridge Project nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển quốc tế cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam, Đông Nam Á cũng như Nhật Bản.

Trong sự kiện này, 6 startup là Cricket One, AirX, MET EV, Realtime Robotics (RtR), Vulca Augmetics và Olli đã pitching trước các DN và quỹ đầu tư Nhật – Việt cùng 3 đại diện đến từ Do Ventures, Genesia Ventures và Reazone Capital. 6 startup kể trên đã được JETRO lựa chọn và hỗ trợ kết nối với phía Nhật Bản để có những sự hợp tác - bao gồm cả đầu tư.

Đường đi trái ngược của Cricket One và AirX

Startup Cricket One được thành lập vào năm 2017 bởi đôi bạn Đặng Cao Nam và Nguyễn Hồng Bích Ngọc. Dự án chuyên về đạm dế này khá nổi trong giới khởi nghiệp Việt Nam cũng như thế giới với bảng thành tích phong phú: quán quân Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mekong 2018 - Blue Venture Award 2019 – Vietchallenge 2020; gọi vốn thành công ở chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ, Shark Tank 2023, trên nền tảng Indiegogo…

Có thể xem Cricket One là gương mặt thân quen của nhiều cuộc thi – chương trình khởi nghiệp ở Việt Nam.

Khởi nguyên, họ nuôi trồng dế ở các trang trại công nghệ cao tự làm, sau đó có kết hợp làm với nông dân ở tỉnh Bình Phước. Tiếp theo, họ chế biến dế thành đạm dế - tức protein côn trùng rồi bán cho các công ty ở châu Âu, châu Mỹ cũng như Nhật Bản để người ta làm thức ăn cho chó mèo, trộn với bột mì làm bánh/pizza….

'Khẩu vị' mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, startup Việt muốn gọi vốn không thể không biết: Ưa chuộng mô hình khởi nghiệp có cả B2C và B2B, nguồn doanh thu đa dạng- Ảnh 1.

Nhà sáng lập Đặng Cao Nam của Cricket One

Phải đến năm 2023, Cricket One mới nhảy sang làm B2C khi hợp tác với FoodMap ra mắt snack đạm dế với thương hiệu Rec Rec. Từ việc chỉ có 3 hương vị trong đợt ra mắt đầu tiên, nay Rec Rec đã có 6 mùi vị khác nhau. Trong năm 2023, Cricket One cũng đã gọi vốn xong vòng Series A từ một quỹ đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, khởi nguyên của AirX là ShoeX chuyên về giày làm từ bã cà phê với Founder là Lê Thanh, người từng lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn năm 2019 cho sản phẩm "scan fit" – công nghệ cá nhân hóa đóng giày tây. Trong quá trình nghiên cứu vật liệu làm giày từ bã cà phê - ly nhựa tái chế, Lê Thanh chợt nhận thấy là ngành nhựa sinh học có nguồn gốc từ các phế phẩm nông nghiệp rất tiềm năng.

Do đó, năm 2020, Lê Thanh đã quyết định sáng lập thương hiệu mới là AirX. AirX chuyên sản xuất các loại nhựa sinh học carbon thấp – Bio PP/PE/EVA từ các phế phẩm nông nghiệp – hiện chủ yếu từ vỏ/bã cà phê. Nhà sáng lập này đã không theo sự nghiệp làm giày nữa mà tập trung vào nhựa sinh học – AirX.

'Khẩu vị' mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, startup Việt muốn gọi vốn không thể không biết: Ưa chuộng mô hình khởi nghiệp có cả B2C và B2B, nguồn doanh thu đa dạng- Ảnh 2.

Nguyên liệu nhựa sinh học và các sản phẩm gia dụng từ nhựa sinh học của AirX.

AirX có kênh B2C với thương hiệu con AirXCoffee, chuyên bán các vật dụng gia đình như ly tách cho khách hàng lẻ và gia công cho cả doanh nghiệp. AirX B2B chuyên làm các sản phẩm phục vụ công nghiệp. Họ mang tới giới thiệu ở sự kiện kể trên các tấm pallet từ nhựa sinh học vừa to vừa nặng phục vụ cho các nhà kho – ngành logistics. AirX đang có kế hoạch gọi vốn vòng 'hạt giống'.

Các deeptech đều đang cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình

Thâm niên kỳ cựu nhất trong tất cả chính là startup Olli, thành lập năm 2016 và hiện có 54 nhân sự. Sản phẩm được Đồng sáng lập – CEO Tạ Thanh Hải mang đến giới thiệu ở Inno Vietnam – Japan Meetup là đồ chơi thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo –AI Buddy.

AI Buddy có thể tương tác với trẻ em như một robot, bao gồm các hoạt động cơ bản như trò chuyện – học hành – giải trí. Ba mẹ có thể kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên thông qua app, đồng thời có thể đặt hàng Olli tạo lập chương trình riêng cho con cái của mình. AI Buddy đang là đối tác của một vài doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu.

Có thể thấy, AI Buddy là một sản phẩm mới của công ty CP Công nghệ Olli, bởi trước đây họ chỉ chuyên về loa thông minh có ứng dụng AI - Maika. Olli luôn liên tục nhấn mạnh mình là 'loa thông minh thuần Việt' duy nhất trên thị trường. Năm 2023, Olli đã ra mắt trợ lý sáng tạo nội dung Maika AI để phục vụ cho những người làm makerting – startup, tương tự như công cụ ChatGPT.

AI Buddy là một trong những dự án để Olli có thể tận dụng tối đa những tài nguyên – thành tựu AI mà startup này đã nghiên cứu và đào tạo được.

'Khẩu vị' mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, startup Việt muốn gọi vốn không thể không biết: Ưa chuộng mô hình khởi nghiệp có cả B2C và B2B, nguồn doanh thu đa dạng- Ảnh 3.

Những đại diện từ 6 startup Việt cùng các đại diện của Do Ventures, Genesia Ventures và Reazone Capital.

Trẻ nhất chính là startup MET EV, vừa mới được Nhà sáng lập Thomas Phạm cho ra mắt vào năm 2022. Đây là dự án về xe máy điện, MET EV thông qua app IoT để có thể hiển thị thông tin trạm sạc, địa điểm và các thông tin khác cần thiết cho xe máy điện của EV. MET EV đã nhận được khoảng 10.000 USD từ quỹ Quacomm Technologies Inc. MET EV đang có kế hoạch kêu gọi 3 triệu USD trong vòng Series A, hiện họ đang gọi trước 1 triệu USD.

"Mỗi năm có hơn 60.000 ca tử vong ở Việt Nam do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Hiện tại, hơn 90% khí thải cơ giới là do xe máy gây ra và chỉ có 10% lượng xe máy đang lưu thông trên đường phố ở Việt Nam là xe điện.

Có 5 nguyên do hạn chế sự tăng trưởng nhanh của xe máy điện ở Việt Nam: trung bình giá xe điện cao hơn xe xăng, hệ thống đổi/xạc pin chưa tiện lợi và rộng khắp như số lượng cây xăng, vẫn còn nhiều lo lắng về sự an toàn của xe điện, thị trường mua bán xe máy điện cũ chưa có, 'giáo dục' thị trường vẫn chưa sâu rộng", Thomas Phạm chia sẻ.

Hiện sản phẩm của MET EV có xe đạp – xe máy điện dân dụng, xe máy điện chở hàng, app BaaS quản lý trạm sạc, phụ tùng xe điện… và bán hàng qua cả 2 kênh là B2C và B2B.

'Khẩu vị' mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, startup Việt muốn gọi vốn không thể không biết: Ưa chuộng mô hình khởi nghiệp có cả B2C và B2B, nguồn doanh thu đa dạng- Ảnh 4.

Nhà sáng lập - CEO - CTO Lương Việt Quốc của Realtime Robotics

Ấn tượng nhất ở buổi pitching có lẽ là dự án Realtime Robotics (RtR) ra mắt năm 2017. Theo lời của Nhà sáng lập Lương Việt Quốc, công ty của ông có thể tự sản xuất từ A đến Z một chiếc máy bay không người lái có công nghệ hiện đại và hiệu năng top đầu thế giới. RtR đang có khoảng 50 kỹ sư – chủ yếu là người Việt Nam, nhưng thị trường chính của DN này lại ở Mỹ và châu Âu.

"Drone Hera của chúng tôi đã giải quyết 2 vấn đề lớn nhất hạn chế sự ứng dụng của máy bay không người lái là sức nâng và không gian. Về sức nâng: cùng 1 kích cỡ, Hera có thể nâng vật nặng gấp 10 lần khả năng của drone M350 và gần 15 lần của Sony Air Peak. Về không gian: Hera có thể gắn cùng lúc 4 tải trọng trong khi M350 chỉ có 2 và Sony Air Peak chỉ có 1", ông Lương Việt Quốc – CEO kiêm CTO của RtR nêu cụ thể.

Hiện drone Hera của họ được bán tại thị trường Mỹ với giá 58.000 USD/chiếc, cao hơn 1,5 lần so với các sản phẩm cùng loại khác. RtR đã nhận tổng cộng 20 triệu USD tiền đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân.

Tin tức khởi nghiệp