CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khôi phục và phát triển nhân lực ngành du lịch

Invest Global 08:37 07/04/2022

Cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng đã chuyển việc quay trở lại với nghề. Thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc, bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới, kiến thức về công nghệ thôn

Giai đoạn 2011-2019, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, ngày càng đa dạng về loại hình, cách thức vận hành và hình thức sở hữu, quản lý, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau, góp phần tích cực vào thành tích chung của du lịch Việt Nam và tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn vào GDP cả nước. Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này diễn ra khắp cả nước. Bên cạnh khách sạn và nhà nghỉ du lịch, còn căn hộ du lịch, homestay, khu căn hộ du lịch chia sẻ kỳ nghỉ, biệt thư du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch bãi cắm trại du lịch.

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), đáng chú ý là mạng lưới nhà dân cung ứng qua hệ thống airbnb chiếm thị phần lớn, làm tăng cung về cơ sở lưu trú du lịch, cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ sở truyền thống. Cùng với sự xuất của những tập đoàn khách sạn lớn có thương hiệu trên thế giới từ nhiều năm như Hyatt, Intercontinental, Accor, Sheraton, Hilton, IHG, đã có sự lớn mạnh của các tập đoàn khách sạn do người Việt đầu tư và quản lý, hình thành những thương hiệu Việt nổi tiếng được đánh giá cao như Vinpearl, Saigontourist, FLC, Flamingo, Mường Thanh, Thành Thành Công.

khoi phuc va phat trien nhan luc nganh du lich Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch là vô cùng quan trọng

Tuy nhiên, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, phần lớn cơ sở lưu trú du lịch hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, người lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm, phải chuyển việc khiến nguồn nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Các bên tham gia trong lĩnh vực du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn: giảm sút về chất lượng, xuống cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là thiếu hụt lao động.

Thực tế cho thấy, sau đại dịch đã có một lực lượng lao động du lịch không nhỏ chuyển nghề, hơn nữa một lực lượng lao động có thâm niên, có kinh nghiệm, có trình độ cao cũng đã chuyển nghề và đã ổn định với công việc khác. Như vậy, việc thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là không thể tránh khỏi khi Việt Nam mở cửa và phục hồi ngành du lịch. Để thực hiện được điều này, cần giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó giải quyết vấn đề nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, hiện nay chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là đã qua đào tạo. Phần lớn nguồn nhân lực tại các khách sạn là đã qua đào tạo, còn các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... đa phần đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các nhóm lao động này.

Đề cập về chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, GS - TS. Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch cụ thể cho lộ trình đào tạo, tuyển dụng nhân lực trước mắt và lâu dài.

Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp, mà còn cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết khi đón khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho cả du khách, nhân viên du lịch và cộng đồng dân cư điểm đến.

Song song với đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng đã chuyển việc quay trở lại với nghề. Thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc, bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới, kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Dưới góc độ của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ông Vũ An Dân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển du lịch (trường Đại học Mở Hà Nội) nhìn nhận việc thích ứng, thay đổi trong hoạt động đào tạo du lịch nói chung và hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp nói riêng cùng với các kế hoạch, mô hình thực hiện cụ thể là hết sức quan trọng. Cũng vì ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh Covid-19 mà chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống và ngay trong ngành du lịch để ít phải tiếp xúc trực tiếp. Như vậy, việc thực hành, thực tập các kỹ năng chăm sóc khách hàng online, các kỹ năng marketing online, các hoạt động vận hành cơ sở lưu trú hay doanh nghiệp du lịch online… cũng được coi là một cách thích ứng với điều kiện mới.

Doanh nghiệp - Doanh nhân