CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Không dễ chen vào chuỗi cung ứng của 'ông lớn' công nghệ

Invest Global 10:32 15/05/2023

Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, điều này được kỳ vọng mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi của các "ông lớn" công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Samsung… Nhưng trên thực tế, việc tận dụng cơ hội vẫn là bài toán rất khó với nhiều doanh nghiệp.

Chuỗi cung ứng toàn cầu là chủ đề nóng trong gần 3 năm trở lại đây khi dịch COVID-19 khiến các tập đoàn lớn phải sắp xếp, chuyển dịch nhà máy ra khỏi thị trường Trung Quốc. Mới đây, Apple Insider tiết lộ, Foxconn - nhà cung cấp lớn nhất của Apple đang mở rộng sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam. Tại Việt Nam, một đơn vị khác của công ty này đang tiến hành mua quyền sử dụng đất tại Nghệ An. Khu đất có diện tích lên tới 480.000m2.

Rất ít doanh nghiệp tận dụng được cơ hội

Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, trong động thái chuyển bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, Foxconn đã ký hợp đồng thuê một lô đất rộng khoảng 450.000m2 với Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Khu đất này nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, có giá thuê khoảng 62,5 triệu USD và hợp đồng thuê sẽ kéo dài đến tháng 2/2057.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp.

-5403-1683904375.jpg

Chuỗi cung ứng của các "ông lớn" trong ngành điện tử đang sắp xếp lại nhưng rất ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tận dụng được cơ hội. 

"Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam", bà Hương cho biết.

Theo bà Hương, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chắc chắn con đường còn dài để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple - vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới.

Chia sẻ thêm với VnBusiness về vấn đề này, bà Hương cho biết, việc các tập đoàn công nghệ mở rộng chuỗi sản xuất là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi.

Nguyên nhân một phần là do các tập đoàn đó đã kéo theo một loạt chuỗi cung ứng đi theo, cũng như để trở thành mắt xích trong chuỗi thì doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy. Có thể nói, cơ hội là có nhưng nắm bắt được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi doanh nghiệp.

Bà Hương đánh giá, hiện nay, nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao làm việc trong ngành điện tử vẫn đang là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thách thức về chất lượng và giá thành

Theo ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), đã và đang có sự dịch chuyển đơn hàng của các công ty nước ngoài sang Việt Nam, nhưng lại qua công ty trung gian của Đài Loan (Trung Quốc) chứ không nhập hàng trực tiếp từ doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân là do DN Việt Nam vẫn đang bị động trong chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Điều đó dẫn tới việc đối tác chọn mua hàng từ nước thứ ba thay vì nhập trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc.

Trong khi đó, ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar, cũng chỉ ra Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, ông Darren Seah cho rằng, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác như Malaysia, hay Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, một doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư sang Việt Nam được hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ, công ty mẹ ở nước ngoài. Ví dụ có doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư được vay vốn của doanh nghiệp mẹ với lãi suất 0%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chịu mức lãi suất cao.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp đánh giá, ngành sản xuất công nghiệp yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài nên doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay từ xuất phát điểm, chưa nói đến việc các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đều đưa theo các công ty vệ tinh và những doanh nghiệp đã từng làm trước đây để cùng xây dựng hệ thống của họ.

Theo đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng của các các tập đoàn lớn, chính sách về phát triển công nghiệp trong nước cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nội. Thực tế, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, còn dàn trải và nguồn lực chưa tập trung như văn bản cao nhất của ngành công nghiệp hỗ trợ là Nghị định 111, nhưng khi tham chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác còn chưa đồng bộ…

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, bộ ngành, cũng cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí mà các tập đoàn đưa ra về giá cả, thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, quy mô nhà xưởng. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường, xã hội.

Lê Thúy 

Môi trường kinh doanh