CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kịch bản nào cho tăng trưởng tín dụng cuối năm?

Invest Global 15:55 29/07/2021

Nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm nay, dưới áp lực của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, ẩn số lạm phát và khả năng tiêm ngừa vaccine phòng ngừa Covid-19.

Sẽ tiếp tục tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng

Vào đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng thương mại. Theo Công ty chứng khoán SSI, nhìn chung mức tăng trưởng tín dụng trong đợt này đã được nới thêm từ 2-6% tùy vào chất lượng tín dụng và các chỉ số an toàn vốn của từng nhà băng.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới ước khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.

Đại diện NHNN mới đây cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trong những năm gần đây, hạn mức tín dụng sẽ được cấp hai lần mỗi năm và đánh giá lại. Hạn mức mới vẫn thấp hơn một chút so với con số đề xuất ban đầu, cho thấy sự thận trọng của cơ quan quản lý, cũng như là “dư địa” để có thể điều chỉnh vào dịp cuối năm.

Nhiều đơn vị nghiên cứu đánh giá hạn mức sẽ tiếp tục được mở rộng vào cuối năm. Theo đó, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng là cơ sở gia tăng triển vọng nới hạn mức tín dụng.

“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quí 3 hoặc đầu quí 4 năm nay”, khối nghiên cứu của SSI đánh giá. Tương tự, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng nhận định rằng hạn mức tín dụng có thể được nới rộng tương tự như năm 2020 với hai lần tăng hạn mức trong năm.

Áp lực tăng trưởng kinh tế

Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt khoảng 5,5% so với đầu năm và 14,1% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn đáng kể so với con số năm ngoái (lần lượt là 3,7% và 9,8%).

Còn trong khoảng thời gian còn lại của năm, tín dụng cũng tiếp tục được dự báo tăng cao dựa vào sự kỳ vọng về phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19, và năng lực cho vay của các ngân hàng được cải thiện (nhờ hạn mức tín dụng tăng và vốn điều lệ tăng lên).

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tín dụng tăng là áp lực từ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, dữ liệu vĩ mô trong nửa đầu năm cho thấy xu hướng tương đối ổn định, nhưng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra trong năm nay.

Do đó, nhiều đơn vị nghiên cứu đánh giá tín dụng sẽ tăng tốc trong khoảng thời gian còn lại của năm. “Chúng tôi tin rằng NHNN sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quí 4 năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tín dụng toàn ngành dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 12,5-13% năm 2021 và 14% năm 2022”, báo cáo MBKE nhận định.

Con số tăng trưởng này được MBKE tính toán dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 5,5%, trong giả định làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát trong tháng 8, còn tỷ lệ tiêm chủng đạt 30% dân số (2 liều) vào cuối năm 2021.

Dù vậy, dịch bệnh Covid-19 cũng để lại những rủi ro lớn và quan ngại mới, ảnh hưởng đến kịch bản dự kiến của các nhà băng.

Theo đó, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, từ mức 14,7% trong kỳ điều tra trước đó, về mức 13,1% trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quí 3 công bố đầu tháng 7. Lý do là vì sự lo ngại rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng đang tăng trở lại do dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, về phía đơn vị quản lý, kịch bản tăng trưởng cơ bản vẫn được thiết lập ở con số đầu năm đưa ra là tăng trưởng ở mức 12%, nhưng cũng “kèm” thêm yếu tố linh hoạt tùy diễn biến thị trường.

Nhà điều hành chính sách lãi suất cũng đồng thời nhắc đến những khoản nợ xấu tiềm tàng vì dịch bệnh Covid-19 và cả yếu tố lạm phát (mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay), sẽ là hai nhân tố quan trọng tác động đến kịch bản tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế.

Yếu tố lạm phát hiện nay vẫn được đánh giá là duy trì ở mức ổn định. Khối Nghiên cứu HSBC dự báo lạm phát trung bình vào khoảng 2,8% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức chỉ tiêu tối đa 4% đề ra.

Tuy nhiên, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.

Theo ông Khoa, HSBC, khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm.

“Ở khía cạnh khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm, hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh”, ông Khoa, HSBC, đánh giá về khả năng điều hành chính sách lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực về phục hồi sau đại dịch.

Trên thực tế, chính NHNN cũng đưa ra nhận định rằng dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều.

“Việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng, đặc biệt đối với đối tượng bị tác động mạnh bởi Covid-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh”, báo cáo định hướng về chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm của NHNN có đoạn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, trong tọa đàm trực tuyến mới đây cho rằng kịch bản sẽ phụ thuộc vào các liều vaccine, và không thể kỳ vọng không có vaccine mà mở cửa nền kinh tế. Theo đó, bối cảnh lạc quan trong cuối năm nay là Việt Nam vẫn phòng chống được dịch và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu, với động lực duy nhất có được năm nay là sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo để xuất khẩu.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)