CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kinh tế Hà Nội băng băng về đích

Invest Global 16:44 07/11/2024

Hà Nội đang bước vào chặng “nước rút” hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024, với những chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI, chuyển đổi số, thu hút khách du lịch... đầy ấn tượng.

thoi bao kinh doanh

Thứ năm, 7/11/2024 | 15:10 GMT+7

Hà Nội đang bước vào chặng “nước rút” hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024, với những chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI, chuyển đổi số, thu hút khách du lịch... đầy ấn tượng.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước tính 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,3%.

Ấn tượng sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 trên địa bàn Hà Nội ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,9% và tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,1% và tăng 8,0%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 8,7% và tăng 11,9%; ngành khai khoáng giảm 30,6% và giảm 9,1%.

-8456-1730964585.jpg

Sản xuất công nghiệp tại Hà Nội 10 tháng đầu năm tăng trưởng tốt.

Trong 10 tháng năm 2024, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 8,5%; dệt tăng 8,0%; chế biến thực phẩm tăng 7,4%...

Bên cạnh đó, 4 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,8%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị giảm 0,1%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội ước đến cuối tháng 10/2024 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,7%; khu vực Nhà nước tăng 1,7%.

Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,3% (trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18%; dệt giảm 9,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,5%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%; ngành khai khoáng tăng 19,3%.

Kinh tế tăng trưởng bền vững

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng trên địa bàn đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%...

Lũy kế 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức trên. Thị trường có nguồn cung dồi dào, giá cả duy trì ổn định và tiếp tục sôi động.

Lũy kế 10 tháng qua, Hà Nội đã thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.

-1515-1730964585.jpg

Kinh tế Hà Nội đang bước vào chặng nước rút cuối năm với nhiều chỉ tiêu ấn tượng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng ước thực hiện 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện được 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,2% kế hoạch năm 2024.

Hà Nội tiếp tục phát triển các loại hình thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến tháng 10/2024, thành phố đã khởi công được 28/43 cụm công nghiệp, riêng trong 9 tháng năm 2024 đã khởi công được 8 cụm công nghiệp.

Thành phố phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%. Bên cạnh đó là 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội, cùng 5 chỉ tiêu phát triển đô thị.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng gần 11%

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức và tăng 10,7% (đá quý, kim loại quý tăng 37,1%; lương thực, thực phẩm tăng 13,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,8%; hàng may mặc tăng 10%; ô tô con tăng 8,3%; xăng dầu tăng 7,9%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 6,1%; hàng hóa khác tăng 11,7%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 95,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% và tăng 11,1% (dịch vụ lưu trú tăng 32,2%; dịch vụ ăn uống tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 40,1%.

Doanh thu dịch vụ khác đạt 139 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,5%.

Riêng trong tháng 10/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, việc doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước cho thấy các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành thương mại bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Đông Phong