CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhờ 3 yếu tố này?

Invest Global 10:31 12/09/2024

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh do quá trình công nghiệp hóa nhanh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đang nổi lên với tốc độ tăng trưởng ổn định và là điểm đến yêu thích của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đa dạng đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến ngày 31/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đầu tư mới tăng cả về vốn đăng ký (12 tỷ USD, tăng 27%), số lượng dự án (2.247 dự án, tăng 8,5%) so với cùng kỳ. Đồng thời, số dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng 4,9% (926 lượt) và số vốn đăng ký tăng thêm cũng tăng 14,8% (đạt hơn 5,7 tỷ USD).

Ngành kinh doanh bất động sản thu hút hơn 3,36 tỷ USD vốn FDI sau 8 tháng. Ảnh: VPLực đẩy từ FDI

Phân tích chung về bức tranh nền kinh tế Việt Nam, ông Jack Nguyễn, Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam cho biết, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hong Kong vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển.

"Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới", ông nói.

Bên cạnh đó, tính hết nửa đầu năm nay, nếu so sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam đứng thứ 3 về dòng FDI trong nửa đầu năm 2024, sau Indonesia và Singapore đồng thời vượt trước Thái Lan và Malaysia.

"Dân số trong độ tuổi lao động trẻ của Việt Nam là 67,5 triệu người là một lợi thế đáng kể để thu hút đầu tư. Các công ty ưu tiên giữ chân nhân viên, cải thiện năng suất và quản lý chi phí nhân sự", ông cho hay.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, Việt Nam đang dần nâng cao vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu các chi tiết sản xuất công nghiệp phức tạp và sử dụng lao động giá rẻ để lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

"Với sự gia tăng của FDI, Việt Nam đang học hỏi những kỹ thuật để tự sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, nắm bắt được nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế nội địa. Con đường phát triển này tương tự như mô hình phát triển tại Đông Á được các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc theo đuổi. Đây là một chiến lược đã được chứng minh tính hiệu quả", ông phân tích.

Thế mạnh đặc biệt về địa chính trị

Kinh tế trưởng VinaCapital nêu rõ, có 3 yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, gồm: Quá trình công nghiệp hóa nhanh nhờ dòng vốn FDI, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị.

"Việt Nam rất thành công khi xây dựng được mối quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong khu vực hiện nay chỉ có Việt Nam và Singapore có thể cân bằng được vị trí giữa hai cường quốc. Đây là tiền đề cho những cơ hội chiến lược về công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế", ông nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 8, ngành kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục giữ ngôi "á hậu" trong thu hút FDI, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, ngành kinh doanh bất động sản thu hút hơn 3,36 tỷ USD, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút gần 14,17 tỷ USD.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam. Ảnh: Savills

Về vấn đề này, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp.

"Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất”, ông nói.

Hiện, Việt Nam có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy 80%, nhu cầu cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Xu hướng phát triển đang nổi lên hiện nay là các nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư.

Tỷ lệ lấp đầy của loại bất động sản này khá cao, đạt 80% trên toàn quốc. Giá thuê trung bình cũng đạt mức 5,4 USD/m2/tháng và đang chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, ở miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Hà Nội, như Bắc Giang, Hải Dương cũng đang cho thấy tốc độ nắm bắt nhanh.

Chưa hết, ông Neil MacGregor nhận định, thị trường bán lẻ được thúc đẩy bởi nhân khẩu học thuận lợi, bao gồm tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh. Một số dự án trung tâm thương mại quy mô lớn ở khu vực vùng ven đã mở cửa và thu hút lượng khách tiêu dùng đông đảo.

"Mặc dù mức chi tiêu nội địa có phần chậm lại nhưng nhìn chung thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn hoạt động tốt bởi nguồn cung mặt bằng hạn chế. Đây cũng là một thách thức cho các nhà bán lẻ đang có nhu cầu mở rộng quy mô vào thời điểm này vì giá thuê tại các khu vực trung tâm sẽ tăng cao trong thời gian tới", ông chia sẻ.

Thị trường văn phòng đã chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế ổn định và các công ty đang mở rộng. Giá thuê sẽ ổn định trong tương lai do nguồn cung mới và sự tập trung vào yếu tố bền vững.

Ngoài ra, TP.HCM và Hà Nội thuộc "Top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới" nhờ các yếu tố như nhân khẩu học, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển.