CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Khối ngoại đã đánh dấu một năm bán ròng lớn nhất lịch sử 24 năm thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Giá trị bán ròng lũy kế 11 tháng đầu năm 2024 đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng (hơn 3,5 tỷ USD), trong đó các nhóm cổ phiếu trụ cột như bất động sản dân cư, ngân hàng, dịch vụ tài chính hay thực phẩm đồ uống đều chịu lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Tiền ngoại không rút khỏi thị trường Việt
Điển hình, VHM (Vinhomes) bị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng, SSI (Chứng khoán SSI) và MSN (Masan Group) cùng ghi nhận áp lực bán ra của khối ngoại trên 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối cùng tháng 11 khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt, tuy nhiên xu hướng bán ròng của khối ngoaik lại tiếp tục gia tăng trong tháng 12.
Dòng vốn ngoại có khả năng quay trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2025 sau giai đoạn bán ròng kéo dài.
Giới phân tích cho rằng việc mạnh tay bán ròng của khối ngoại đến từ nhiều nguyên nhân chính như yếu tố tỷ giá, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, dòng tiền chảy về các thị trường phát triển, quỹ thay đổi khẩu vị đầu tư… Áp lực của khối ngoại góp phần ghìm đà tăng của thị trường, cũng như tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Theo đó, VN-Index xác lập mức "nền" trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Càng về cuối năm, thanh khoản của TTCK càng giảm sâu.
Từ mức thanh khoản trung bình phiên trên 20.000 tỷ đồng trong giai đoạn nửa đầu năm, giá trị giao dịch trên HoSE những phiên đầu tháng 12 (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận) có nhiều thời điểm chưa tới 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê, 74 doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong năm 2024 đã huy động lượng vốn 63.830 tỷ đồng từ thị trường cổ phiếu, thông qua các hình thức bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, phát hành cho nhân sự (ESOP) và hoán đổi nợ thành vốn cổ phần.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã chi ra 14.900 tỷ để “bơm” cho doanh nghiệp Việt từ các kênh phát hành nói trên.
Con số 14.900 tỷ được tính từ các thương vụ đã hoàn tất. Ngoài ra, còn 5 thương vụ đang được tiến hành, với tổng số vốn huy động dự kiến hơn 3.600 tỷ.
Việc mua cổ phần phát hành thêm được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến các quỹ ngoại lớn phải bán đi một số khoản đầu tư đang nắm giữ, góp phần vào 90.000 tỷ bán ròng trong 11 tháng đầu năm.
Ngoại trừ thương vụ tại Masan Group (MSN) và Chứng khoán Phú Hưng (PHS) là 2 trường hợp ghi nhận lượng vốn lớn huy động từ những quỹ ngoại mới, thì các thương vụ còn lại chủ yếu là giao dịch của những quỹ ngoại đã đầu tư nhiều năm trên TTCK Việt Nam, "sôi nổi" nhất là Dragon Capital hay Pyn Elite Fund.
Thực tế, để có tiền tham gia vào các đợt phát hành này, Dragon Capital, Pyn hay nhiều quỹ khác đã phải bán cổ phiếu trên sàn.
Ước tính cho thấy khoảng 9-10 nghìn tỷ đồng bán ròng, tức khoảng hơn 10% giá trị bán ròng trong năm thực chất đã quay lại thị trường qua kênh chào bán - và con số này không được tính vào giá trị mua/bán trên sàn của khối ngoại.
Chờ hiệu ứng từ “chất xúc tác” nâng hạng
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, giai đoạn 2005 - 2007, TTCK có "sóng gia nhập vào WTO" đã thu hút được 2-3 tỷ USD.
Giai đoạn "sóng thoái vốn nhà nước" (từ năm 2016 - 2018), thị trường đã hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Kỳ vọng thị trường đang ở "con sóng lớn" thứ 3 là sóng nâng hạng thị trường ở nửa cuối 2025.
Chuyên gia của VPBankS dự báo, giai đoạn cuối 2024 đến nửa đầu 2025, thanh khoản có thể đi ngang trên nền trung bình và thấp. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2025, kể từ tháng 8, thanh khoản sẽ tăng cao, được kích hoạt nhờ nâng hạng khi dòng tiền trong nước và khối ngoại gia tăng mua trở lại.
Định giá TTCK Việt Nam tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và thị trường mới nổi (Emerging Market). P/E hiện tại thấp hơn trung vị 10 năm.
Dự báo từ nay đến hết năm 2024, với bối cảnh áp lực bán ròng của khối ngoại, tỷ giá tăng cao và nửa đầu năm 2025 có thể đón nhận chính sách thuế mới của ông Trump nên VN-Index sẽ dao động quanh vùng 1.200 - 1.300 điểm.
Với kịch bản thị trường được nâng hạng vào tháng 9/2025, thanh khoản thị trường sẽ tăng bật lại, khối ngoại mua ròng tháng 8 và 9/2025.
Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE, còn điều kiện quan trọng là thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ. Hiện, trung tâm này đang được hoàn thiện, do đó dự báo thị trường sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng trong tháng 9/2025.
Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital cho rằng, việc nâng hạng thị trường là điều kiện nhưng không phải là tất cả để thu hút dòng vốn ngoại. Vốn ngoại quay trở lại hay không là nhìn vào chênh lệch lãi suất, nhìn vào chính sách lãi suất của Mỹ có thể giảm mạnh mẽ về 2% như trước đây không.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Nghiên cứu Chiến lược thị trường HSC, dòng vốn ngoại có khả năng quay trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2025 sau giai đoạn bán ròng kéo dài. Bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu, cũng sẽ tác động lớn đến thị trường Việt Nam. Nếu những bất ổn như suy thoái kinh tế toàn cầu hay biến động lãi suất được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận cao.
Các rủi ro tiềm tàng như biến động tỷ giá hối đoái và tác động từ tình hình chính trị quốc tế... cần được theo dõi sát sao. Nhưng nhìn chung, với sự ổn định chính trị và các cải cách đồng bộ trong nước, nền kinh tế Việt Nam có cơ sở để tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Hải Giang