CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chính phủ vừa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (DN). Trong đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
2 năm danh sách vẫn chưa thể nối dài?
Còn nhớ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup được Tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tài sản 1,5 tỷ USD. 3 năm sau đó, Việt Nam cũng chỉ có mình tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng có mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới vào 2030.
Đến năm 2017, cùng với ông Phạm Nhật Vượng, Việt Nam có thêm nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Hãng hàng không Vietjet, với tài sản trị giá 1,2 tỷ USD có mặt trong danh sách của Forbes.
Liên tiếp những năm sau, Việt Nam có thêm các tỷ phú USD là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch ô tô Trường Hải; Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh; Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang.
Đặc biệt, theo danh sách tỷ phú thế giới 2022 của Forbes, lần đầu tiên Việt Nam có 7 tỷ phú với gương mặt mới là nhà sáng lập NovaGroup Bùi Thành Nhơn. Với số lượng tỷ phú gia tăng, tổng tài sản các tỷ phú Việt Nam năm 2022 đạt 21,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến thời điểm đó.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam chỉ còn 6 người khi tài sản ông Bùi Thành Nhơn giảm mạnh còn dưới 1 tỷ USD. Năm 2024, theo danh sách Forbes công bố, Việt Nam tiếp tục duy trì 6 tỷ phú kể trên.
Như vậy, 2 năm nay, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam không xuất hiện thêm một doanh nhân mới nào. Nguyên nhân cũng dễ hiểu bởi trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhiều DN đang phải căng mình vượt khó. Trong thời kỳ khó khăn nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từng cho biết nhiều DN lớn của Việt Nam đã phải bán gần hết tài sản.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) cũng cho hay trong nhóm Hiệp hội từng có DN sản xuất điện tử đã thông báo dừng sản xuất, rao bán toàn bộ máy móc thiết bị. Nguyên nhân là không có đơn hàng, nhiều DN lúng túng nên không có giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Theo khảo sát PCI 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ lạc quan của DN Việt đang ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.
Không quên hỗ trợ DN nhỏ
VCCI đánh giá, trong bối cảnh khó khăn này, các DN đang trở nên thận trọng hơn khi tỷ lệ DN dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh đã rơi xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua. Dù vậy, các DN có quy mô vừa và lớn vẫn có tỷ lệ đáng kể cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều DN trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản và giáo dục-y tế-lao động... tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động.
Vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này, VCCI cho rằng chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức.
Cần tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà, như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đất đai hiện đã trở thành lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn nhất.
“Chính quyền các địa phương cũng cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn lực để hoạt động, từ tiếp cận thông tin, miễn giảm thuế, tham gia đấu thầu mua sắm công... Các chương trình hỗ trợ DN cũng cần tập trung giải quyết hiệu quả những khó khăn chủ yếu DN đang gặp phải hiện nay, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu”, VCCI khuyến nghị.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh rằng quan trọng nhất lúc này là khôi phục niềm tin kinh doanh của cộng đồng DN. Phát triển và xây dựng Việt Nam hùng cường, không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân nội địa hùng mạnh. Trong đó, DN lớn có vai trò dẫn dắt chuỗi, đồng thời cơ quan quản lý hỗ trợ DN nhỏ và vừa để phát triển. “Chỉ khi có sự cạnh tranh lành mạnh, những DN nhỏ và vừa sẽ có cơ hội trở thành những DN lớn”, vị chuyên gia tin tưởng.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, muốn có nhiều tỷ phú phụ thuộc vào hành động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Đây là thời gian phải làm ngay và luôn, nếu không cơ hội sẽ qua đi.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết kinh nghiệm phát triển các doanh nhân, doanh nghiệp và tỷ phú của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là cơ sở để Việt Nam học hỏi và áp dụng. Giới doanh nhân các nước Á Đông đều đi lên từ DN nhỏ và vừa, không ít đi lên từ khởi nghiệp. Tại Việt Nam, số người siêu giàu, tỷ phú đi lên từ bàn tay trắng không thiếu, song những người thực sự bứt phá lên để trở thành tỷ phú còn khá ít, thấp.
"Doanh nhân Việt Nam không ngại khó khăn, thử thách trên thương trường nhưng họ ngại cơ chế cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, cần loại bỏ những rào cản kinh doanh để những doanh nhân làm ăn chân chính phát triển, làm giàu cho đất nước và cho chính mình”, ông Trinh cho biết.
TS. Trần Thị Hồng Minh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 01 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách).
Ông Vũ Tiến Lộc
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Việt Nam nằm trong xu hướng chung của cả thế giới, những năm tới sẽ xuất hiện thêm các tỷ phú trong những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, công nghệ mới. Chúng ta có nhiều lợi thế như như phát triển công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển lĩnh vực y tế, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, để có được các tỷ phú USD, Chính phủ cần có những chính sách yểm trợ, hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ doanh nhân dân tộc đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Ông Mạc Quốc Anh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội
Khó khăn hiện nay của DN nhỏ và vừa là thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính còn rườm rà… Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính về vay vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp với quy định hấp dẫn để DN hấp thu được nguồn vốn vay nhằm giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khởi nghiệp.
Nhật Linh