CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kỳ vọng nhượng quyền thương mại tăng trưởng trở lại

Invest Global 14:19 26/01/2021

Mô hình nhượng quyền thương hiệu đang được kỳ vọng sẽ là mô hình có khả năng phục hồi hậu Covid-19 và tăng trưởng trở lại ở Việt Nam trong năm 2021 với những mô hình ứng dụng công nghệ và có khả năng thu hồi vốn nhanh.

Chia sẻ về định hướng trong năm 2021, ông Nguyễn Đức Thái, trưởng bộ phận phát triển kinh doanh của CTCP Vua Bánh Mì, cho biết công ty sẽ chính thức có thêm mô hình nhượng quyền cho những đối tác muốn kinh doanh một thương hiệu trong lĩnh vực bánh mì truyền thống. Phía công ty cũng đang tích hợp công nghệ để tìm kiếm thêm các đối tác nhằm thông qua đó quảng bá thương hiệu, sản phẩm được mạnh hơn nữa. 

Kỳ vọng khả năng phục hồi

Ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Le Group Ventures nói rằng, nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19.

Nhượng quyền được dự báo là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021.

Nói về kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp (DN) và nhượng quyền trong bối cảnh hiện tại, ông Khoa cho rằng các DN phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống.

Những đánh giá mới đây cho thấy trong năm 2021 hoạt động nhượng quyền ở Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ở mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ như O2O, từ trực tuyến (Online) đến ngoại tuyến (Offline). Nhượng quyền theo hình thức này được cho là có khả năng thu hồi vốn nhanh. 

Đây cũng là giải pháp tối ưu được nhiều DN lựa chọn để cải thiện doanh thu giữa thời Covid-19 bằng cách tận dụng nền tảng mua bán truyền thống kết hợp với dịch vụ mua bán trực tuyến.

Hoặc như mô hình DevOps cũng được đánh giá có nhiều triển vọng về mặt nhượng quyền trong năm nay. Mô hình này là sự kết hợp làm việc giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng,... nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm. Đây được cho là mô hình linh hoạt, có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh. 

Về xu hướng nhượng quyền, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, cho biết trong tương lai, các DN nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản hay những mô hình linh hoạt và đa dạng kênh doanh thu. Mặt khác, mức độ đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững.

Theo bà Vân, để có một mô hình nhượng quyền bền vững, DN phải quan tâm tới 5 yếu tố bao gồm: Thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ.

Cần nắm rõ pháp lý

Nhiều dự báo cho thấy, nhượng quyền sẽ là ngành đầy tiềm năng hậu Covid-19 trong năm 2021. Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó vào khoảng 5-10% GDP. Như ở châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. 

Điển hình như ở Malaysia, ngành nhượng quyền được Chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển DN nhỏ và vừa, bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm. 

Dẫn lại báo cáo của Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA), ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), cho biết Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa  hàng tiện lợi. 

Và IFA cũng dự báo Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, đây là phương thức giúp các DN nhượng quyền tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm DN.

Đối với bên nhận nhượng quyền, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong kinh doanh. Thông qua uy tín của các thương hiệu lớn được nhượng quyền, sản phẩm của DN vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến.

Thực tế cho thấy ở thị trường Việt Nam, nhượng quyền thương mại vẫn còn khá non trẻ. Chính vì vậy, những luật lệ về nhượng quyền thương hiệu, cách thức công ty tư vấn, hỗ trợ dành cho kinh doanh nhượng quyền còn đơn giản.

Tuy nhiên, từ những dự báo cho thấy trong xu hướng phát triển thì những năm tới, nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Và, nhượng quyền thương hiệu không phải là một mô hình kinh doanh ngắn hạn, nó là một cuộc đầu tư lâu dài và sẽ là xu hướng kinh doanh của Việt Nam.

Cho nên, như lưu ý của Luật sư Trần Thị Hương (sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Đầu tư và Sở hữu trí tuệ Rachel), các DN trong nước cần nắm rõ các cơ sở pháp lý về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay. Nhất là DN cần hiểu rõ luật, nghị định có liên quan và cẩn trọng về pháp lý khi đàm phán hợp đồng nhượng quyền.

    Thế Vinh