CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lạ lùng phương thức PV Power thoái vốn tại PV Machino

Invest Global 10:53 17/03/2021

Thương vụ thoái toàn bộ vốn tại PV Machino của PV Power đang gây được sự chú ý của các nhà đầu tư, bởi đây là một doanh nghiệp vừa sở hữu nhiều tài sản quý cũng như tiềm năng lớn. Đặc biệt, phương thức thoái vốn của PV Power mang đến nhiều băn khoăn.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã: POW) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 19,9 triệu cổ phiếu PVM, tương đương 51,58% vốn điều lệ CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino) từ ngày 17/3 - 15/4 . Mục đích thực hiện giao dịch là thoái vốn theo kế hoạch tái cơ cấu tổng công ty, phương thức giao dịch là khớp lệnh.

Trước đó, Hội đồng quản trị POW đã phê duyệt phương án sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, PV Power sẽ chỉ còn nắm sở hữu trên 51% tại 4 đơn vị và sẽ thoái sạch vốn tại 8 đơn vị khác (bao gồm PV Machino).

"Đất vàng" và "gà đẻ trứng vàng"

Sở dĩ thương vụ thoái vốn của PV Power được dư luận rất quan tâm là do PV Machino đang quản lý và sử dụng nhiều bất động sản ở vị trí đắc địa như 1.828 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội) gồm nhà và quyền sử dụng đất không có thời hạn, được ghi nhận trong báo cáo tài chính của PV Machino với giá trị bằng 0 (nguyên giá là 17,5 tỷ đồng nhưng đã khấu hao hết theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019). Địa điểm này được đánh giá cao về tiềm năng phát triển dự án bất động sản.

Khu đất số 8 Tràng Thi cũng là nơi đặt trụ sở của PV Machino, là một trong những mảnh "đất vàng" mà doanh nghiệp này sở hữu.

PV Machino còn có quyền sử dụng đất vô thời hạn tại thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) và liên doanh với Công ty Bách hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza - Hàm Cá Mập).

Doanh nghiệp này cũng sở hữu 10% vốn góp (giá trị ghi sổ 81,7 tỷ đồng) tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp-Khu đô thị Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội)...

Đáng chú ý, không chỉ PV Machino mà các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của công ty ở TP.HCM, Đà Nẵng… cũng có nhiều tiềm năng lợi thế. Trong đó, CTCP Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) là một đại lý lớn của hãng ô tô Mitsubishi tại Việt Nam.

Năm 2019, Daesco đạt doanh thu 806 tỷ đồng, tương đương với sản lượng xe bán ra là 1.356 chiếc, trong đó riêng dòng xe Xpander bán ra ở 2 trung tâm kinh doanh ô tô Mitsubishi tại Huế và Đà Nẵng đạt xấp xỉ 480 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu bán xe.

Không những vậy, Daesco nắm trong tay các miếng đất: 218,8m2 ở 53 Trần Phú, quận Hải Châu; 1.806,8 m2 ở 51 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu (Đà Nẵng), hiện đang được sử dụng làm showroom ô tô (thời hạn 50 năm); 3.241,6 m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng)...

Không chỉ sở hữu "đất vàng", tiềm năng của PV Machino còn nằm ở việc doanh nghiệp đang sở hữu 3 liên doanh “gà đẻ trứng vàng” chuyên cung cấp phụ tùng ô tô, xe máy cho các hãng nổi tiếng như BMW, Honda, Harley Davidson.

Ba liên doanh này hoạt động rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PV Machino khoản cổ tức lớn: Năm 2016 thu được 100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia, năm 2017: 84 tỷ đồng, năm 2018: 80 tỷ đồng, năm 2019: 81,3 tỷ đồng, và năm 2020 là 83,6 tỷ đồng.

Lo thất thoát tài sản

Ngay sau khi PV Power công bố sẽ thoái hết vốn tại PV Machino, lực cầu mạnh mẽ xuất hiện khiến cổ phiếu PVM bật tăng mạnh mẽ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, cổ phiếu PVM ghi nhận mức giá 30.000 đồng/cp, tăng khoảng gần 70% so với thời điểm cuối năm 2020.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận thắc mắc là tại sao khi rao bán một tài sản có giá trị lớn là cổ phần chi phối ở PV Machino mà PV Power lại không lựa chọn phương thức thoái vốn theo hình thức đấu giá mà lại bán theo giá trên sàn.

Nhìn vào thực tế có thể thấy, giá trị thị trường ước tính của các tài sản vốn góp liên doanh và bất động sản của PV Machino và các công ty trong hệ sinh thái của doanh nghiệp có thể lên tới khoảng vài nghìn tỷ đồng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu giá cổ phiếu PVM trên sàn đã phản ánh hết tiềm năng mà PV Machino đang có hay chưa?

Bởi lẽ, mọi tài sản của PVPower (trong đó có các cổ phiếu mà PVPower sở hữu) đều được hình thành từ vốn đầu tư của Nhà nước, do vậy việc chuyển nhượng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước đầu tư vào PVPower.

Đặc biệt, động thái này của PV Power có vẻ như đang đi ngược lại với xu thế thoái vốn chung khi hầu hết các công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước thường đưa ra mức giá cho mỗi cổ phần cao hơn so với giá trị trên thị trường.

Theo lý giải của doanh nghiệp là do thực hiện xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn bao gồm giá trị từ quyền sử dụng đất giao có thu tiền, đất nhận chuyển nhượng, đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ.

Tạm tính tại mức giá 30.000 đồng/cp như hiện tại, tổng giá trị lượng cổ phần bán ra của PV Power đạt khoảng gần 600 tỷ đồng - một con số có thể được coi là “hời” cho số cổ phần chi phối một doanh nghiệp.

Trước đó, trước thông tin PV Power sẽ thoái vốn tại PV Machino, nhiều cổ đông của PV Power đều tỏ rõ mong muốn quá trình thoái vốn được diễn ra công khai minh bạch, việc định giá cần tính đúng, tính đủ các lợi thế kinh doanh, lợi thế thương mại để tránh thất thoát tài sản nhà nước và doanh nghiệp.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu không thực hiện đầy đủ các bước công khai thẩm định giá, đấu giá công khai… nhiều khả năng dẫn đến định giá thấp tài sản nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ trục lợi cá nhân và tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước và tài sản nhà nước, nhất là với doanh nghiệp sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như PV Machino.

Ngay sau động thái thoái vốn của PV Power, CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng nhanh chóng đăng ký bán toàn bộ hơn 3,8 triệu cổ phiếu PVM.

Số cổ phiếu này tương ứng tỷ lệ 9,9% vốn PV Machino. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 12/3-11/4 thông qua phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn. Ước tính, SHS có thể thu về hơn 100 tỷ đồng sau thương vụ này.

Minh Khuê

Doanh nghiệp - Doanh nhân