CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2) đã liên tục trong xu hướng giảm từ đầu tháng 3 và xuống mức thấp nhất 16 tháng vào phiên ngày 23/6, trước khi bất ngờ bật tăng lên mức hiện tại.
Tăng mạnh sau khi về đáy 1 năm
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất bình quân liên ngân hàng đã tăng mạnh tại tất cả kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm ngày 30/6 chạm mốc 6,45%/năm, tăng gần 5 điểm % so với mức đóng cửa phiên 23/6 (1,66%/năm).
Lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đi lên: Kỳ hạn 1 tuần từ 2,3%/năm tăng vọt lên 6,53%/năm; kỳ hạn 2 tuần từ 3,87%/năm lên 5,62%/năm; kỳ hạn 1 tháng cũng tăng từ mức 3,45%/năm lên 5,18%/năm.
Lãi suất tăng nhanh trên thị trường liên ngân hàng thể hiện nhu cầu thanh khoản hạn chế của hệ thống. Trong bối cảnh này, NHNN đã bơm ròng tổng cộng hơn 90.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong khoảng một tuần trở lại đây.
Lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên 6,45%/năm, gấp 4 lần cách đây một tuần - ở mức 1,62%.
Thực tế trước đó, NHNN đã mở lại kênh phát hành tín phiếu vào phiên 24/6, song đã tạm dừng và tăng cường bơm tiền qua kênh OMO trong những phiên gần đây.
Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các nhà băng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại NHNN. Theo quy định, mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc.
Mức lãi suất được duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế. Điều này có thể gây áp lực lên lãi suất huy động và cho vay tại thị trường dân cư (thị trường 1).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND, góp phần giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo báo cáo mới công bố của Chứng khoán Mirae Asset, tính đến tháng 6/2025, lãi suất hoán đổi (swap rate) giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức trung tính, dao động quanh 0% ở nhiều kỳ hạn.
"Điều này cho thấy áp lực tỷ giá hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát và NHNN chưa có động thái can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối", báo cáo cho hay.
Theo tính toán của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng (Vira), có 143.222 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố. Ngoài ra, có khoảng 22.500 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Trước khi quay lại đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu, nửa đầu năm nay, NHNN đã có giải pháp điều hành nghiệp vụ thị trường mở để giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, qua đó hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp để có điều kiện hạ lãi cho vay. Lãi suất liên ngân hàng cũng trong xu hướng giảm từ đầu tháng 3 và về vùng thấp nhất hơn một năm, trước khi tăng mạnh trở lại.
Lãi vay liệu có tăng?
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay có thể sẽ đi lên. Ông Hoàng Trọng Thắng, Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường gia tăng trở lại, nên doanh nghiệp đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp phải tìm đến nguồn tín dụng ngân hàng nhiều hơn trước.
“Việc các ngân hàng tăng lãi suất vay mượn lẫn nhau khiến cho chúng tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của doanh nghiệp, trong đó có cả những khoản vay cũ”, ông Thắng chia sẻ.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, NHNN sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, mặt bằng lãi suất có thể sẽ vẫn được giữ ổn định ở mức thấp từ nay đến cuối năm.
Phân tích từ Bộ phận nghiên cứu của VnDirect càng củng cố nhận định này. Theo đó, trong quý I/2025, các chỉ số tài chính cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm đòn bẩy. Cụ thể, chi phí lãi vay giảm xuống 6,1% (giảm 0,5 điểm % so với quý trước), còn tỷ lệ D/E (nợ/vốn chủ sở hữu) giảm xuống 71,9% (giảm 3,5 điểm %).
Các chuyên gia của VnDirect cho rằng, dù Chính phủ đang nỗ lực hạ lãi suất huy động nhằm kéo giảm chi phí vốn vay, nhu cầu tín dụng thực tế từ khu vực doanh nghiệp vẫn khá trầm lắng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhiều doanh nghiệp đang tái cơ cấu danh mục tài chính, thận trọng hơn trong việc mở rộng vay vốn giữa bối cảnh môi trường kinh tế còn nhiều biến động.
Trên thực tế, chưa xuất hiện diễn biến tăng lãi suất ở các ngân hàng thương mại, nếu có tăng cũng chỉ ở biên độ hẹp. Lãi suất huy động tại một số ngân hàng lớn như Techcombank, BIDV, VietinBank,... hiện dao động quanh mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 3,2 - 4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9 - 7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6 - 8,9%/năm.
Các chuyên gia kinh tế UOB nhận xét, lạm phát tại Việt Nam đã phần nào hạ nhiệt, ở mức 3,24% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu 4,5% trong năm nay. Bối cảnh lạm phát ôn hòa, trong khi căng thẳng thương mại toàn cầu và bất định về thuế quan gia tăng đang mở ra khả năng NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, không giống như một số đồng tiền trong khu vực, sự suy yếu hiện tại của VND là yếu tố khiến NHNN phải cân nhắc.
Trong bối cảnh hiện nay, UOB dự báo NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%/năm. Nếu điều kiện kinh doanh trong nước và thị trường lao động suy yếu nghiêm trọng, UOB kỳ vọng NHNN có thể hạ lãi suất tái cấp vốn một lần xuống mức thấp là 4%/năm, sau đó có thể tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,5%/năm, với điều kiện thị trường ngoại hối vẫn ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất USD.
Huyền Anh