CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Trả lời phóng viên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, để thị trường vốn có thể hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần có sự phối hợp, tạo thuận lợi từ hai bên, cả bên cho vay là tổ chức tài chính, cũng như bên đi vay là các doanh nghiệp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về khối kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam?
TS. Cấn Văn Lực: Khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm ba thành phần chính: doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã). Thống kê cho thấy, kinh tế tư nhân của Việt Nam mới đóng góp khoảng 50% GDP và 30% ngân sách nhà nước, cho thấy tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn.
Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021 đã tổng kết và nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60% – 65% vào GDP”. Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã nhấn mạnh kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” trong tăng trưởng kinh tế, xứng đáng với vị trí của nó. Có thể thấy, các chính sách và mục tiêu cho khu vực kinh tế tư nhân trước đây còn dè dặt, nhưng hiện nay đã mạnh mẽ và rõ ràng hơn nhiều...
PV: Đối với khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), việc tiếp cận vốn là rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp cận vốn của các DNVVN trong thời gian vừa qua, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Có thể thấy việc tiếp cận vốn của DNVVN Việt Nam trong thời gian qua đã có những tiến bộ. Vốn tín dụng cung cấp cho DNVVN của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng lượng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế. Mức này cao hơn con số 18,7% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn khá nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, nhưng Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan và một vài nước khác.
Một điểm nữa là chính vì sự công khai, minh bạch và quản trị điều hành của DNVVN có nhiều tiến bộ hơn trong thời gian vừa qua, nên việc xét phê duyệt tín dụng cũng có những thuận lợi hơn so với thời gian trước. Trong bối cảnh Việt Nam đang rất mong muốn phát triển khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, kể cả doanh nghiệp FDI thì rõ ràng đó cũng là một thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp mạnh lên. Qua đó, có thể tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng.
Việt Nam cũng đã và đang tháo gỡ rất nhiều rào cản pháp lý, giúp cho doanh nghiệp quản trị điều hành bài bản hơn, công khai minh bạch hơn. Đồng thời, nâng tầm của doanh nghiệp lên và qua đó, cũng tăng khả năng tiếp cận vốn một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn đối với các tổ chức tài chính. Song song với đó, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu để tạo ra nhiều kênh cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường tài chính. Tôi nghĩ, đây là những bước đi khá tích cực, dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
PV: Để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 16%. Theo ông, mục tiêu tín dụng này đặt ra những thách thức gì cho hệ thống ngân hàng tại Việt Nam?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất hiện nay chính là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Lãi suất không phải là vấn đề. Hiện mức lãi suất đi vay của người dân và doanh nghiệp về cơ bản đã về một mức khá thấp so với trước dịch và thời kỳ thấp điểm.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến chuyện làm thế nào để huy động đầy đủ nguồn vốn để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Một thách thức khác là tăng trưởng tín dụng phải gắn với chất lượng tín dụng, tức là tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro tín dụng, đặc biệt liên quan đến nợ xấu.
Thách thức cuối cùng chính là liên quan đến các chuẩn mực an toàn. Để tăng trưởng tín dụng cao như vậy thì các tổ chức tín dụng cần phải tăng vốn, nhất là vốn điều lệ. Điều này rất cần sự ủng hộ cũng như quyết định nhanh của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để các tổ chức tín dụng có thể tăng vốn kịp thời và qua đó, mới tăng được khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân các tổ chức tín dụng.
PV: Theo ông, làm thế nào để thị trường vốn có thể hỗ trợ tốt hơn cho các DNVVN tại Việt Nam?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, để thị trường vốn có thể hỗ trợ tốt hơn cho các DNVVN thì trước hết, bản thân các tổ chức tài chính cũng cần phải đa dạng hoá và thiết kế những sản phẩm dịch vụ của mình cho phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng, sát hơn với những nhu cầu, thị hiếu của doanh nghiệp, của người dân.
Thứ hai là bản thân các DNVVN cũng cần phải nỗ lực cố gắng vươn lên, phải công khai minh bạch hơn nữa và phải trung thực với các báo cáo tài chính của mình và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật. Như vậy, mới có thể tạo thuận lợi cho cả hai bên, cả bên cho vay là tổ chức tài chính, cũng như là bên đi vay là các DNVVN.
Khuyến nghị thứ ba là tôi rất mong Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm để thúc đẩy khối doanh nghiệp và phát triển, nhất là kinh tế tư nhân. Như Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu là cần phải thay đổi quan điểm cách nhìn nhận về vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực này nên được coi là động lực tăng trưởng quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay cũng như trong thời gian tới. Từ đó, đề ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp quan trọng này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
Về đột phá thể chế, môi trường kinh doanh, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh tới yêu cầu cần phải sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Trong đó, cần lưu ý phân loại doanh nghiệp để có chính sách quản lý phù hợp theo quy mô và tính chất hoạt động. Chính sách và cơ chế hỗ trợ phải khác nhau cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, tránh áp dụng chung một khung quản lý cho tất cả.