CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Cuối năm, các ngân hàng có thể sẽ có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận do sự điều tiết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa qua đã có thay đổi theo hướng tháo bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có khả năng phát triển tốt hoạt động cho vay.
“Mở van” để thúc đẩy tín dụng
Một trong những động thái đáng chú ý có thể tạo ra sự phân hóa mạnh trong các ngân hàng có thể kể đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “mở van” cho các ngân hàng có khả năng cho vay tốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo NHNN, từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2024, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Đặc biệt, mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều. Có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo. Do đó, để đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, trong nội dung văn bản của NHNN gửi các TCTD, cơ quan này thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. NHNN cũng lưu ý các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Sẽ phân hóa mạnh về lợi nhuận cuối năm
Tại thời điểm quý III/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc điều hành tăng trưởng tín dụng luôn là vấn đề lớn và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nền kinh tế, cũng như khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Về phía NHNN, cơ quan này cũng đã thực hiện các giải pháp cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác.
Ngành ngân hàng đã có các gói ưu tiên ưu đãi để tạo cú hích cho vốn, tổ chức các hội nghị kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, đó là nơi để chia sẻ, bàn bạc, hiểu nhau hơn thông cảm nhau hơn và mạnh dạn cho vay, tháo gỡ khó khăn từ 2 phía. Theo đó, các ngân hàng cũng đang rà soát tháo gỡ từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng dự án lớn… “Bản thân các ngân hàng cũng nhận thức việc kích được tín dụng mới có tăng trưởng, từ đó mới có lợi nhuận cho ngân hàng” - ông Tú nói.
Về cơ cấu tín dụng thời gian qua, số liệu của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 ghi nhận sự bứt phá khá mạnh của lĩnh vực công nghiệp với tốc độ tăng 7,26% so với cuối năm 2023. Ngoài ra, tín dụng cho hoạt động thương mại cũng đạt tốc độ khá tốt với 5,93%. Trong khi đó, một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng chậm có thể kể đến như xây dựng chỉ đạt 3,25%; vận tải và viễn thông là 3,59%; nông lâm nghiệp và thủy sản là 3,52%...
Diễn biến này đã có sự thay đổi so với 1 năm trước đó bởi theo số liệu của NHNN thì nửa đầu năm 2023, ngành vận tải và viễn thông mới là lĩnh vực có sức thu hút vốn tín dụng mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng lên tới 10,21% so với cuối năm trước. Tại thời điểm đó, lĩnh vực thương mại cũng có sức tăng trưởng khá với 6,72%. Trong khi đó, một số ngành tăng trưởng chậm có thể kể đến như nông lâm thủy sản là 2,49%, xây dựng là 1,67%, công nghiệp là 3,82%...
Ở góc độ các ngân hàng, các diễn biến về tình hình tín dụng riêng của từng ngân hàng cũng luôn là thông tin được nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá về triển vọng của ngân hàng đó. Lý do là, trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng hiện nay, thu nhập từ hoạt động huy động vốn và cho vay vẫn là nguồn thu nhập đóng góp tỷ trọng lớn nhất cho lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng. Với tính chất này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn là yếu tố chính để đánh giá triển vọng lợi nhuận của từng ngân hàng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nửa đầu năm đã có sự khác nhau đáng kể và khi các ngân hàng tăng trưởng cao được NHNN “bật đèn xanh” tiếp tục tăng tín dụng thì tiềm năng bứt tốc về cuối năm của những ngân hàng này sẽ vẫn còn rộng mở.
Nhìn lại các con số cụ thể về tăng trưởng của một số ngân hàng thời gian qua từ báo cáo tài chính 6 tháng mà các ngân hàng đã công bố có thể thấy có sự phân hóa khá rõ nét, kể đến một số cái tên như LPBank đạt 15,2%, ACB là 12,8%, HDBank 12,5%, Techcombank đạt 11,6%, MB ở mức 10,3%, VPBank đạt 10,2%... Còn lại, một nhóm các ngân hàng khác lại có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mặt bằng chung, thậm chí có trường hợp ABBank còn ghi nhận mức tăng trưởng âm hơn 7% so với cuối năm 2023.
Quan tâm việc duy trì ổn định lãi suất
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các ngân hàng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay. Việc cấp tín dụng cho khách hàng phải theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.