CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Theo thống kê của nhadautu.vn, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) báo cáo doanh thu quý đầu năm đạt kỷ lục trong lịch sử hoạt động với 3.117 tỷ đồng, gấp 20,5 lần cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 849 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm 77 tỷ cùng kỳ và là mức cao nhất tính từ quý II/2023.
Kết quả này đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp là cho thuê đất, cơ sở hạ tầng và bán nhà xưởng. Doanh thu 2.484 tỷ và lợi nhuận gộp hơn 1.000 tỷ đồng.
“Ông lớn” bất động sản khu công nghiệp Bình Dương – Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (mã: IDC) ghi nhận lãi quý I gấp 3 lần cùng kỳ lên 366 tỷ đồng.
Doanh thu thuần hơn gấp đôi lên 1.842 tỷ, hoạt động liên doanh liên kết tăng lãi từ 59 tỷ lên 271 tỷ đồng là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận.
Hay, Công ty cổ phần Long Hậu (mã: LHG) đạt doanh thu 234 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; lãi sau thuế 110 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.
Doanh nghiệp cho biết doanh thu cho thuê lại đất khu công nghiệp và hoạt động cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại và các hoạt động khác cùng tăng mạnh. Trong khi, giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý hay chi phí tài chính đều tăng không đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp lớn khác như Sonadezi (mã: SZN), Sonadezi Châu Đức (mã: SZC) hay Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) đều tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong quý đầu năm.
Dù vậy, vẫn có doanh nghiệp đi ngược toàn ngành, tổng công ty IDICO (mã: IDC) báo cáo doanh thu giảm 27% xuống 1.793 tỷ đồng. Lãi sau thuế 417 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận giảm mạnh quý I là do biến động doanh thu các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần.

Trong biến cố thuế quan bắt nguồn từ công bố của Mỹ vào đầu tháng 4, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp được các chuyên gia cho là bị ảnh hưởng trực tiếp do dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể chững lại. Một loạt cổ phiếu lao dốc như IDC giảm từ vùng 52.000 đồng/cp xuống 34.300 đồng/cp, BCM giảm từ vùng 72.000 đồng/cp về 53.000 đồng/cp, LHG giảm từ 34.500 đồng/cp về 24.300 đồng/cp, SIP giảm từ 86.000 đồng/cp về 56.100 đồng/cp…
Dù cổ phiếu phản ứng mạnh nhưng các doanh nghiệp cho biết đối tác vẫn tiếp tục đầu tư, tỷ lệ hoãn đầu tư không quá nhiều. Số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, bất chấp lo ngại thuế quan, dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng trong tháng 4. Tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4 đạt 1,78 tỷ USD, tăng 8%.
Nhiều tập đoàn lớn vẫn ngỏ ý tăng đầu tư tại Việt Nam. Trong cuộc họp báo cáo tài chính ngày 1/5, CEO Apple Tim Cook tuyên bố từ quý II/2025, Việt Nam và Ấn Độ sẽ trở thành hai điểm sản xuất chính cho phần lớn các thiết bị Apple bán ra tại thị trường Mỹ, ngoại trừ khoảng 50% sản lượng iPhone.
LG Display (Hàn Quốc) vừa qua đã hoàn tất việc chuyển nhượng nhà máy sản xuất mô-đun và màn hình LCD cỡ lớn tại Quảng Châu cho China Star Optoelectronics Technology (CSOT). Chiều ngược lại, LG lại có động thái mở rộng đầu tư vào LG Display Vietnam Haiphong, tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên thành 5,65 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD).
Amkor Technology, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử chip bán dẫn đang triển khai nâng gấp 4 công suất nhà máy tại KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh), với vốn đầu tư đăng ký thêm là 1,07 tỷ USD. Tại cuộc họp tổng kết quý I/2025 diễn ra vào cuối tháng trước, Amkor Technology cho biết chi phí vốn đầu tư (capital expenditure) cả năm 2025 sẽ khoảng 850 triệu USD. Chủ tịch – CEO Amkor Technology Giel Rutten đánh giá trong ngắn hạn, chính sách thuế của Mỹ có thể gây ảnh hưởng, nhưng về trung dài hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục là một thị trường mạnh với tiềm năng lớn.
Bên cạnh đó, để “dọn tổ” đón đại bàng trong và ngoài nước đầu tư, vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp triển khai khu công nghiệp ngày càng thông suốt. Đô thị Kinh Bắc liên tiếp thông báo tin vui dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư như khu công nghiệp Quế Võ, Tràng Duệ 3, khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát, Kinh Thành 2.
IDICO được bổ sung thêm hơn 800 ha quỹ đất công nghiệp khi 3 án được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Vinh Quang (Hải Phòng), IDICO Mỹ Xuân B1 (Bà Rịa – Vũng Tàu), IDICO Tân Phước 1 (Tiền Giang). Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Rạch Bắp, Bắc Đồng Phú giai đoạn 2.
Sau một tháng với những thông tin tích cực về việc Mỹ hoãn áp thuế quan với nhiều quốc gia để đàm phán, ngay cả với Trung Quốc, thị trường chung phục hồi đáng kể. VN-Index từ vùng dưới 1.100 điểm tăng 200 điểm lên 1.293 điểm, tiệm cận với vùng giá trước biến cố.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp mới chỉ phục hồi được một phần. Cổ phiếu SIP mới chỉ lấy lại 50% mức giảm trước đó, tăng từ 56.000 đồng/cp lên 70.000 đồng/cp. KBC cũng mới lấy lại được 5.000 đồng so với mức giảm 10.000 đồng/cp trong gần 3 tuần đầu tháng 4. Mã chứng khoán BCM phục hồi được khoảng 38% mức giảm trước đó, tức mới tăng từ vùng 53.000 đồng/cp lên 61.800 đồng/cp.