CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Việc luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 không chỉ giúp tháo gỡ rào cản pháp lý trong thu hồi tài sản bảo đảm, quy định mới còn được kỳ vọng cải thiện chất lượng tài sản và hiệu quả tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, các quy định này sẽ chưa có tác động ngay tới báo cáo tài chính của các ngân hàng, mà thường phải có độ trễ.

Xử lý nợ xấu nhanh và rõ ràng hơn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/10/2025, trong đó luật hóa nhiều nội dung trọng yếu từng được thí điểm theo Nghị quyết 42/2017/QH14, là một bước đi quan trọng nhằm chuyển cơ chế xử lý nợ xấu từ khung tạm thời sang khung pháp lý ổn định và lâu dài cho các tổ chức tín dụng. Động thái này không chỉ thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc xử lý dứt điểm nợ xấu tồn đọng, mà còn mở đường cho hệ thống ngân hàng vận hành minh bạch, hiệu quả hơn.
Việc luật hóa cho phép các ngân hàng có cơ sở pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn trong việc thu hồi tài sản bảo đảm, thúc đẩy quá trình xử lý các khoản nợ không sinh lời vốn đang làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng. Qua đó, nguồn vốn được khơi thông, khả năng cấp tín dụng mới được cải thiện, và các chỉ số hoạt động của ngân hàng, từ chất lượng tài sản, hiệu quả sinh lời cho tới hệ số an toàn vốn, cũng sẽ được cải thiện rõ rệt trong thời gian tới.
Theo ông Lê Hoài Ân – Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, kể từ khi có hiệu lực vào ngày 15/8/2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã có 10 nhóm vấn đề lớn được tháo gỡ, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý tài sản trong thi hành án, xử lý các khoản nợ đã rời khỏi bảng cân đối kế toán...
Cổ phiếu ngân hàng được tiếp sức từ cải cách pháp lý
Từ đầu tháng 7 tới nay, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến tích cực khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm, trong đó, cổ phiếu ngân hàng cũng lan tỏa sắc xanh. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Hoài Ân, mức tăng này chủ yếu phản ánh kỳ vọng sẵn có, trong khi nhà đầu tư vẫn chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể để đánh giá rõ hơn dư địa và tốc độ xử lý nợ xấu tại từng ngân hàng.
Một số nội dung trọng yếu trong số đó đã chính thức được luật hóa vào ngày 27/6 vừa qua, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Việc luật hóa không chỉ củng cố hành lang pháp lý từ cơ chế thí điểm sang khung pháp lý ổn định và lâu dài, mà còn tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn về mặt pháp lý.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Tùng – Trưởng phòng cao cấp, Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, điểm nổi bật trong lần sửa đổi này là luật hóa các quy định từng thuộc phạm vi thí điểm của Nghị quyết 42/2017/QH14, như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cơ chế hoàn trả tang vật không còn liên quan đến tố tụng, và quy định về xử lý tài sản của bên bị kê biên đang dùng làm tài sản bảo đảm.
“Với việc đưa vào luật, phạm vi điều chỉnh được mở rộng, áp dụng cho toàn bộ các khoản nợ xấu hiện hành. Đây là thay đổi có tính nền tảng, giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn, rõ ràng hơn về pháp lý và bền vững hơn trong dài hạn” – ông Tùng nhấn mạnh.
Nếu được triển khai hiệu quả, sẽ giúp làm sống lại khoản tín dụng 1 triệu tỷ đồng đang "nằm chết" trong khối tài sản đảm bảo không được xử lý, khơi thông nguồn lực và đưa vào nền kinh tế, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP hơn 8% của năm nay và 2 con số của giai đoạn tiếp theo.
Phản ánh vào lợi nhuận ngân hàng sẽ có độ trễ
Cũng theo ông Đỗ Thanh Tùng, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ tác động tích cực tới hiệu quả tài chính của các ngân hàng, đặc biệt ở khâu xử lý nợ xấu. Khi nợ xấu còn trong nội bảng, việc rút ngắn quy trình xử lý nhờ quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần qua tố tụng sẽ giúp các ngân hàng thu hồi nợ nhanh hơn, hoàn nhập dự phòng và cải thiện lợi nhuận. Với các khoản nợ đã xuất toán ra ngoại bảng, phần thu hồi từ xử lý tài sản sẽ ghi nhận vào thu nhập khác, từ đó hỗ trợ thu nhập ngoài lãi.
Tuy vậy, theo ông Tùng, ảnh hưởng của luật hóa đến báo cáo tài chính sẽ không thể hiện ngay, mà cần từ nửa năm đến một năm, do quá trình xử lý tài sản và thu hồi nợ có độ trễ. Một chỉ báo đáng chú ý là thu nhập khác, đặc biệt từ thu hồi nợ ngoại bảng, nếu tăng mạnh từ quý II hoặc quý III/2026 sẽ là tín hiệu rõ nét cho hiệu quả của khung pháp lý mới.
Ông Lê Hoài Ân thông tin thêm, các ngân hàng quốc doanh thường ưu tiên nhận tài sản bảo đảm là bất động sản, vốn có giá trị lớn hơn dư nợ, nên chất lượng tài sản đảm bảo rất cao. Khi được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt với các khoản nợ ngoại bảng đang “để dành”, tiến độ thu hồi sẽ được đẩy nhanh. Đây là lợi thế đáng kể với các ngân hàng như VietinBank, BIDV hay Vietcombank – những đơn vị có khối nợ ngoại bảng lớn.
Ngược lại, các ngân hàng nhỏ hơn như KienLongBank, NaviBank hay ABBank có tỷ lệ dư nợ trên tài sản đảm bảo cao hơn do sử dụng nhiều động sản (hàng tồn kho, thiết bị…), nên cũng được hưởng lợi từ các quy định mới liên quan đến thu giữ tài sản.
Khơi thông nguồn thu từ xử lý nợ tại các ngân hàng
Theo ông Phan Duy Hưng – Giám đốc Phân tích cao cấp tại VIS Rating, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm không tranh chấp, giúp ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Trước đó, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, quá trình thu hồi tài sản phải qua thủ tục tố tụng kéo dài, khiến tỷ lệ thu hồi giảm mạnh. Trong nửa đầu 2024, hơn 50% nợ xấu được xử lý qua trích lập và xóa nợ, tương đương 30 - 40% vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thu hồi từ tài sản bảo đảm giảm còn 27% do thị trường bất động sản trầm lắng.
Một số ngân hàng bán lẻ ghi nhận nợ có vấn đề tăng từ 1,6% lên 2,2%, chủ yếu từ cho vay mua nhà và hộ kinh doanh. Luật sửa đổi cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng đặc biệt lãi suất 0% cho các tổ chức tín dụng khó khăn, góp phần ổn định hệ thống, hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng nhờ cải thiện khả năng thu hồi nợ và giảm chi phí vận hành./.