CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - "Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 mang đến nhiều điểm mới nổi bật nhằm điều tiết tiêu dùng và khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh" - Đây là khẳng định của TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) khi trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư.

PV: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 vừa được Quốc hội thông qua có những bổ sung gì nổi bật, thưa ông?
TS. Phan Phương Nam: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, mang đến nhiều điểm mới nổi bật nhằm điều tiết tiêu dùng và khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh.
Đáng chú ý, về đối tượng chịu thuế, Luật đã bổ sung nhiều mặt hàng và dịch vụ mới như trực thăng, tàu lượn (trừ loại phục vụ mục đích cứu thương, cứu hộ, cứu nạn, huấn luyện phi công) và nước giải khát theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100mL.
Riêng máy điều hòa nhiệt độ, Luật quy định rõ hơn là chỉ điều chỉnh đối với máy điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU, ngay cả trong trường hợp tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh để bán hay nhập khẩu.
Theo TS. Phan Phương Nam, một điểm mới quan trọng là việc Luật bổ sung thêm căn cứ và phương pháp tính thuế tuyệt đối. Trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt chủ yếu được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên giá. Tuy nhiên, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 đã cho phép tính thuế dựa trên lượng hàng hóa chịu thuế và mức thuế tuyệt đối, áp dụng song song với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, giúp việc xác định nghĩa vụ thuế trở nên linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, Luật cũng điều chỉnh bổ sung các đối tượng không chịu thuế và trách nhiệm nộp thuế trong một số trường hợp.
PV: Luật cũng điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá theo lộ trình và bổ sung nước giải khát vào diện chịu thuế. Theo ông, việc tăng thuế những mặt hàng này sẽ giúp điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ra sao?
TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, việc Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2025 điều chỉnh mạnh đối với rượu, bia, thuốc lá là nhằm thực hiện mục tiêu điều tiết vào hành vi tiêu dùng và hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại.
Cụ thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá được thiết kế để làm tăng giá bán, từ đó giảm khả năng chi trả và mức tiêu thụ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng giá 10% có thể giảm tiêu thụ rượu, bia từ 5 - 8%; đối với thuốc lá, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ hiệu quả để giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế quyết định 50 - 60% hiệu quả trong phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt ở nhóm thanh thiếu niên và người thu nhập thấp, vốn nhạy cảm với giá.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml với mức 8% từ năm 2027 và 10% từ năm 2028 nhằm giảm tiêu thụ đường, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhóm đối tượng đang đối mặt với tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, mức thuế này có thể giảm tiêu thụ từ 8 - 13%, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ít đường hoặc không đường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lành mạnh hơn.
Tôi cho rằng, chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mang lại nhiều lợi ích, tác động đến sức khỏe cộng đồng. Đối với rượu bia, việc giảm tiêu thụ sẽ giảm gánh nặng y tế liên quan đến các bệnh gan, tim mạch và tai nạn giao thông, vốn là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Với thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ giúp giảm khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm và tiết kiệm chi phí y tế ước tính 1 tỷ USD. Đối với nước giải khát có đường, giảm tiêu thụ đường sẽ góp phần ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và béo phì, đặc biệt ở trẻ em.
Ngoài ra, chính sách này còn gửi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng về tác hại của các sản phẩm này, từ đó nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
PV: Có ý kiến cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hướng tới cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
TS. Phan Phương Nam: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập sau một thời gian áp dụng. Theo đó, việc thiếu quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế mới như nước giải khát có đường, khó kiểm soát rượu, bia sản xuất thủ công không nhãn hiệu và tình trạng buôn lậu thuốc lá do chênh lệch thuế đã và đang diễn ra.
Do vậy, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 về cơ bản đã giải quyết những vấn đề này bằng cách bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế, tăng cường kiểm soát thuế đối với rượu, bia thủ công thông qua các biện pháp kê khai và quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời áp dụng lộ trình tăng thuế tuyệt đối đối với thuốc lá để giảm chênh lệch giá, từ đó hạn chế buôn lậu. Như vậy, luật mới đã khắc phục đáng kể các vướng mắc thực tiễn, thể hiện sự cập nhật phù hợp với tình hình hiện nay.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 được xây dựng để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế và các chính sách y tế công cộng. Ngoài ra, lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá được thiết kế đồng bộ với Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các cam kết quốc tế về giảm tiêu thụ rượu, bia và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ hoàn toàn, cần có thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết, đặc biệt về cách xác định hàm lượng đường trong nước giải khát, tránh chồng chéo với các quy định về tiêu chuẩn thực phẩm.
Tôi cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2025 cùng với các quy định mới của Nhà nước về thuế đã và đang góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai. Các quy định này hướng việc quản lý thuế theo hiện đại hóa, minh bạch và giảm gánh nặng hành chính cho người nộp thuế. Ở đó, việc phân loại rõ ràng các đối tượng chịu thuế giúp người nộp thuế dễ dàng xác định nghĩa vụ thuế. Đồng thời, lộ trình tăng thuế được công bố trước, tạo sự minh bạch và cho phép doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
PV: Xin cảm ơn ông!