CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Các chuyên gia cho rằng, sau thời gian thị trường chứng kiến những biến động mạnh thì đã có dấu hiệu phục hồi và mang hy vọng về khả năng hình thành đáy. Trong ngắn hạn, kỳ vọng thị trường có cơ hội tăng điểm và duy trì tiếp tục hướng tới mốc 1.300 điểm.
Thị trường tìm lại hi vọng
Nhận định về phiên giao dịch ngày 18/11, ông Trần Trung Hiếu – Chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau nhiều phiên giảm điểm, thị trường cuối cùng đã có dấu hiệu phục hồi, mang lại hy vọng về khả năng hình thành đáy. Tuy nhiên, để đánh giá kỹ hơn, cần xem xét cả xu hướng dài hạn lẫn các yếu tố kỹ thuật.
Nhìn lại tuần trước đó, thị trường đã trải qua giai đoạn biến động mạnh với các phiên giảm sâu và áp lực bán gia tăng, đặc biệt sau khi ngưỡng 1.240 điểm bị xuyên thủng. Cây nến tuần vừa qua phản ánh rõ ràng sức ép bán ra vẫn chiếm ưu thế. Điều này đã kéo dài sang đầu tuần này, khi thị trường mở cửa với những nhịp giảm mạnh, lùi về mốc 1.200 điểm.
Nhìn lại các giai đoạn trước, thường cần khoảng 3-4 phiên để thị trường có thể khẳng định lực cầu chiếm ưu thế, qua đó mở ra khả năng hướng về kháng cự 1.300 điểm.
Trong phiên hôm nay, thị trường đã phản ứng tích cực khi chạm hỗ trợ, song đà phục hồi vẫn khá dè dặt, chưa thể hiện rõ sự lan tỏa mạnh mẽ. Để xác nhận đáy ngắn hạn tại khu vực 1.200 điểm, cần thêm từ 1 đến 2 phiên với dấu hiệu dòng tiền mạnh dạn hơn, đủ để đẩy lùi áp lực cung và tạo cơ hội tăng trở lại.
Tóm lại, thị trường hiện đang phản ứng tích cực tại vùng hỗ trợ quan trọng. Tuy nhiên, cần chờ thêm các tín hiệu trong 1-2 phiên tới để chắc chắn rằng khu vực này sẽ là điểm đảo chiều, giúp thị trường quay lại xu hướng tăng và hướng tới mốc 1.300 điểm.
Diễn biến chỉ số VN-Index và HNX kết phiên ngày 18/11. Nguồn: KBSV.Còn theo ông Nguyễn Minh Hiếu – Trưởng phòng Trung tâm Phân tích tại VDSC, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước kể từ đầu tháng 3 đến nay thực sự rất khó đoán. Dù đã có đến khoảng 6 lần thị trường chờ đợi một cú bứt phá, đặc biệt là vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, thậm chí có lúc còn điều chỉnh giảm xuống gần 1.200 điểm.
Trên thực tế, mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng sự thiếu lan tỏa và ổn định đã khiến thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá mạnh mẽ.
Tín hiệu tích cực từ chỉ báo kỹ thuật
Liên quan đến vấn đề tỷ giá và những tác động đến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, ông Trung Hiếu nhận định rằng, vấn đề tỷ giá và sức mạnh của đồng đô la Mỹ là một yếu tố không nhỏ gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Nếu nhìn sâu hơn, diễn biến mua bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua đã phản ánh rõ nét tác động này. Trước đây, áp lực bán từ khối ngoại từng hạ nhiệt, thậm chí xuất hiện những tín hiệu mua ròng trở lại, giúp thị trường có thời điểm tiếp cận ngưỡng kỳ vọng và dường như sẵn sàng vượt qua mốc quan trọng.
Tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư trong phiên ngày 18/11. Nguồn: FiinTrade.Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ gần đây, cùng với những lo ngại về kết quả bầu cử Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025, đã làm dòng tiền khối ngoại rút ra mạnh mẽ. Trong 2 tuần qua, áp lực bán ròng gia tăng đáng kể, đẩy thị trường mất mốc 1.240 điểm và lùi sâu về khu vực 1.200 điểm. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sức ép từ dòng vốn ngoại đang làm suy yếu triển vọng ngắn hạn của thị trường.
Nhà đầu tư nên quan sát kỹ giai đoạn này để tìm kiếm những cơ hội đầu tư cụ thể, tập trung vào các cổ phiếu tiềm năng có sức hấp dẫn khi thị trường hồi phục.
Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố tích cực cần được xem xét. Các chỉ báo kỹ thuật như tỷ lệ lan tỏa cổ phiếu giảm giá dưới các ngưỡng EMA hay chỉ số RSI đang dần lùi về vùng an toàn. Tỷ lệ phần trăm cổ phiếu dưới các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, chẳng hạn như 20% hoặc 50%, hiện đã khá tiêu cực, cho thấy thị trường đang rơi vào trạng thái chiết khấu sâu. Đây thường là giai đoạn cuối của những nhịp điều chỉnh mạnh, khi lực bán kiệt quệ và các cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với dòng tiền mới.
Nếu nhìn nhận toàn cảnh, có thể coi những diễn biến xấu nhất vừa qua là quá trình "rũ bỏ" cuối cùng, mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng đã xuất hiện và các chỉ báo kỹ thuật cũng đang phát tín hiệu tích cực hơn.
Dự báo về thị trường trong 2 tháng tới, ông Minh Hiếu cho rằng, hiện tại, thị trường vẫn chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính là áp lực bán ròng của khối ngoại, biến động tỷ giá và tín dụng. Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm đáng chú ý dù không phải sự thay đổi lớn, nhưng cũng có sự khác biệt so với trước đây, chủ yếu liên quan đến hai yếu tố là mức định giá của thị trường và bối cảnh toàn cầu.
Đầu tiên, về kết quả kinh doanh quý III, các doanh nghiệp đã hoàn thành kỳ báo cáo với kết quả khá tích cực. Dù thị trường có điều chỉnh nhẹ trong 2 tuần qua, nhưng hiện nay mức định giá chung của thị trường đang ở mức thấp so với mức trung bình trong quá khứ, cho thấy thị trường đang khá hấp dẫn, thậm chí có thể xem là rẻ so với các chu kỳ trước.
Thứ hai, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lo ngại về sự thay đổi chính quyền đã được giải tỏa. Các nhà đầu tư giờ đây có thể hiểu rõ hơn về chính sách kinh tế của Mỹ trong tương lai. Dự báo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù không mạnh mẽ, nhưng ổn định. Vì vậy, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có đợt tăng điểm nhờ vào mức định giá hấp dẫn hiện tại.
Tuy nhiên, dù có yếu tố tích cực ngắn hạn, bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn. Những đợt tăng điểm trong ngắn hạn có thể chỉ là sự phục hồi nhỏ, được hỗ trợ bởi định giá thấp và kết quả kinh doanh tích cực.
Về dài hạn, vẫn có những rủi ro không thể bỏ qua, liên quan đến ba yếu tố đã đề cập trước đó. Vì vậy, mặc dù có thể có cơ hội tăng điểm trong thời gian tới, nhưng những rủi ro dài hạn vẫn cần được theo dõi sát sao./.