CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mở rộng quy mô gói tín dụng 15.000 tỷ đồng: 'Liều thuốc' giúp doanh nghiệp phục hồi

Invest Global 10:12 23/02/2024

Các ngân hàng sẽ tiếp tục bổ sung thêm 15.000 tỷ đồng nữa, nâng tổng gói tín dụng lên 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Đây được xem là tin vui, là một trợ lực giúp doanh nghiệp lâm, thủy sản phục hồi, phát triển.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, việc triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực, chưa đầy 1 năm nhưng đã giải ngân hết gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng sẵn sàng mở rộng quy mô gói tín dụng 15.000 tỷ đồng

Đại diện NHNN cho biết, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản kéo dài đến 30/6/2024, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, đã khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản - lĩnh vực có lợi thế quốc gia và là động lực tăng trưởng, nhất là dịp cuối năm với nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

-4663-1708595047.jpg

Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực, chưa đầy 1 năm nhưng đã giải ngân hết gói 15.000 tỷ đồng.

“Nếu các hoạt động này được duy trì và phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này”, NHNN đánh giá.

Ngay sau khi gói tín dụng 15.000 tỷ đồng giải ngân hết, Phó Thống đốc NHNN cho biết: "Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia bổ sung gói này thêm 15.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là sẽ có 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản".

Hiện, có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.

Đại diện các ngân hàng khẳng định, việc triển khai cho vay chương trình này khá dễ dàng. Chẳng hạn như tại Vietcombank, Tổng Giám đốc Phạm Thanh Tùng cho biết, Vietcombank không có vướng mắc gì, ngân hàng sẵn sàng tăng quy mô gói này lên với mặt bằng lãi suất thấp.

Theo chia sẻ của ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, lĩnh vực nông sản, thủy sản là khách hàng truyền thống của Agribank. Trong năm 2023, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng quy mô 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã giải ngân hết 3.000 tỷ đồng này. Trong thời gian tới, ngoài phục vụ khách hàng truyền thống, Agribank triển khai một số chương trình cho vay thủy sản, đặc biệt là khu vực có lợi thế như khu vực Tây Nam Bộ, khu vực miền Trung.

Tương tự, các nhà băng khác cho biết, sẵn sàng cung ứng vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản, với mức lãi suất cho vay ưu đãi.

“Liều thuốc” giúp doanh nghiệp phục hồi 

Đây là tin vui với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thuỷ sản. Gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp lâm, thuỷ sản được coi là liều thuốc trợ lực kịp thời trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó và có cơ hội vực dậy. Có vốn, doanh nghiệp tiếp tục tích trữ nguyên liệu - được coi là dòng máu nuôi sống các nhà máy chế biến. Còn nông dân có thêm động lực thoát cảnh phải treo ao.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá: "Giải pháp tăng quy mô gói tín dụng của NHNN vào thời điểm này sẽ giúp ích được cho ngành hàng duy trì được chuỗi cung ứng và có được cơ hội tốt hơn trong năm nay".

Đã từng được vay số tiền khá lớn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, trong năm qua, khó khăn về tài chính đã được giải quyết, hiện công ty đang đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, đảm bảo hợp đồng đã ký kết với đối tác.

“Đầu năm nay, doanh nghiệp vừa ký kết được hợp đồng với đối tác mới, dự kiến cần thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Nếu gọi tín dụng 15.000 tỷ đồng được tăng thêm sẽ là cơ hội để doanh nghiệp phát triển”, đại diện doanh nghiệp nói.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cũng bày tỏ quan tâm đến gói tín dụng 15.000 tỷ. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, cho hay hiện một số ngành hàng đã có diễn biến thuận lợi hơn trước, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội, trong đó có Công ty Hoàng Hưng đã nhận được đơn hàng mới, nhu cầu vay vốn tăng cao. Đây là thời điểm, các doanh nghiệp rất cần phía ngân hàng hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Các ngân hàng khẳng định, với những dấu hiệu phục hồi tăng trưởng tốt như hiện nay, ngân hàng sẵn sàng mở rộng thêm hạn mức cho vay ưu đãi để phục vụ đơn hàng xuất khẩu trong năm nay.

“Thị trường bắt đầu hồi phục vào cuối năm ngoái và sang đầu năm nay, nhiều thông tin về đơn hàng xuất khẩu rất tích cực đối với các doanh nghiệp lâm, thuỷ sản. Thời điểm này, các doanh nghiệp nên tiếp cận vốn khi đã có các hợp đồng đầu ra thì tích trữ hàng để sẵn sàng xuất khẩu khi thị trường hồi phục hoàn toàn”, một chuyên gia nói.

Hiện, nhiều ngân hàng đang tích cực tư vấn, hướng dẫn khách hàng vay vốn, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, đẩy mạnh cho vay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng.

Huyền Anh